Thời gian gần đây, thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 là người về từ các địa phương có dịch. Việc nới lỏng các biện pháp cách ly, giám sát theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã đặt nặng vai trò của lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở và ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định.
Lực lượng y tế phong tỏa khu vực đường Dương Tử Giang (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), nơi ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng do vi phạm quy định cách ly tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG |
Phát huy vai trò lực lượng cơ sở
Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng là bệnh nhân B.L.N (SN 1986, trú tổ 27) trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh bất chấp quy định cách ly tại nhà, tự ý đi lại nhiều nơi, UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) phối hợp Công an quận lập hồ sơ vi phạm, đề xuất xử lý theo quy định. Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, địa phương triển khai một số nhiệm vụ giám sát người về từ vùng có dịch. Ông Nguyễn Công Hòa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết, phường thành lập tổ giám sát người về từ các địa phương có dịch gồm công an, dân phòng, ban bảo vệ các tổ dân phố có nhiệm vụ giám sát 24/24 giờ những trường hợp phải cách ly tại nhà theo quy định. “Trên thực tế, có những trường hợp lưu trú tại các khu dân cư mới nên việc giám sát, tương tác giữa các hộ gia đình bị hạn chế, việc giám sát từ cộng đồng rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vẫn còn xem nhẹ, bất chấp các quy định của địa phương, như bệnh nhân B.L.N là một điển hình”, ông Hòa cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Mai Niên, trên địa bàn quận hiện đang thực hiện cách ly tại nhà 95 trường hợp về từ ngoại tỉnh. Việc áp dụng các biện pháp cách ly được thực hiện theo đúng hướng dẫn của thành phố đối với người đến/về từ các địa phương có dịch. “Địa phương cũng rút ra các bài học về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa người về từ vùng có dịch. Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các phường tổ chức giao ban tổ Covid-19 cộng đồng hằng tuần để nắm tình hình. Thành lập các tổ giám sát ở phường có sự tham gia của cán bộ phường, cảnh sát khu vực, cán bộ khu dân cư để cùng với tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ 24/24 giờ đối với những người đang áp dụng cách ly tại nhà. Những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm”, ông Niên cho biết.
Hiện nay, việc kiểm soát, giám sát dịch bệnh được giao cho cơ sở. Khi số lượng người về từ các địa phương có dịch tăng lên đồng nghĩa với trách nhiệm của cán bộ cơ sở cũng hết sức nặng nề. Theo ông Võ Trường Hải, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Phường Hải Châu 1 vừa dỡ bỏ phong tỏa khu dân cư tại K166 Hùng Vương với 13 hộ và 63 nhân khẩu do có 2 ca mắc liên quan đến người về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện địa phương đang theo dõi, giám sát tại nhà 19 trường hợp về từ địa phương có dịch. “Cán bộ y tế địa phương rất mỏng và cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn như công tác tiêm chủng, phòng, chống các loại dịch bệnh khác, chương trình dân số… Trong khi số người về từ các địa phương khác ngày càng nhiều. Đề nghị các sở, ngành và thành phố chung tay, chia sẻ với địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch”, ông Anh cho biết.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố, trung bình mỗi ngày có trên dưới 100 trường hợp về/đến Đà Nẵng từ các địa phương có dịch. Hiện có 12 trường hợp được cách ly tập trung, hơn 680 trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Việc áp dụng các biện pháp cách ly được triển khai theo Công văn số 7257/UBND-SYT ngày 27-10 của UBND thành phố đối với người về/đến Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. “Tùy theo mức độ nguy cơ của địa phương mà người dân lưu trú trước khi về/đến Đà Nẵng, UBND các quận, huyện sẽ áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp theo hướng dẫn. Hiện nay phần lớn người về/đến Đà Nẵng đều được hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Vì vậy, vai trò của các địa phương hết sức quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát. Bởi chỉ một trường hợp có nguy cơ bất chấp các quy định và tự do đi lại, tiếp xúc trong thời gian cách ly thì nguy cơ lây lan cho cộng đồng là rất lớn. Ngoài ra, vai trò, ý thức của người trong cuộc cũng hết sức quan trọng. Cần tuân thủ nghiêm túc các quy định, chủ động, tự giác khai báo y tế một cách trung thực, đầy đủ và hợp tác với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện cách ly”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trong kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, ngành y tế đã tham mưu UBND thành phố về việc chuyển hướng đối tượng xét nghiệm để sàng lọc SARS-CoV-2. “Theo đó, những trường hợp về/đến từ các địa phương có dịch sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong kế hoạch xét nghiệm định kỳ của UBND thành phố. Việc bổ sung, chuyển đổi đối tượng xét nghiệm này giúp thành phố tầm soát và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng”, bác sĩ Thủy cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, về việc kiểm soát người về/đến các địa phương có dịch, UBND các quận, huyện cần tăng cường rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…); chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, cấp độ 4. “Các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế. Tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền để người đến từ các địa phương có số ca mắc cao chủ động thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe và quy định 5K, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế ra khỏi nhà; đồng thời các địa phương cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.
PHAN CHUNG