Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

.

Tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn quận Thanh Khê hiện đang có chiều hướng gia tăng. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND quận đã có văn bản yêu cầu UBND các phường, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời sự bùng phát SXH trên địa bàn.

Từ cuối tháng 5, phường Thanh Khê Đông đã ra quân dọn vệ sinh môi trường toàn phường. Phường hiện có 49 tổ, trong đó tổ 12 và một phần của tổ 11 giáp ranh với tổ 12 được xem là ổ dịch khi có từ 2 ca SXH trở lên trong 1 tuần. Theo thống kê của Trạm Y tế phường, từ đầu năm đến nay đã có tổng 31 ca SXH trên địa bàn phường. Trước tình hình đó, UBND phường đã phối hợp Trung tâm Y tế quận thực hiện phun thuốc diệt muỗi 1 tuần 1 lần; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bằng cách vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và phun trên diện rộng khu vực có nguy cơ cao.

Với phương châm “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, UBND phường đã yêu cầu Trạm Y tế phường tổ chức giám sát, xử lý ổ bệnh nhỏ và ca bệnh đơn lẻ; tổ cộng tác viên dân phố tích cực phát tờ rơi, tuyên truyền người dân về cách phòng, chống bệnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng, chống dịch tại địa phương. Ông Dương Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết: “Mọi nỗ lực của phường đều hướng tới sự an toàn cho người dân nhưng sự tự giác và ý thức của người dân mới là yếu tố then chốt để công cuộc phòng, chống dịch SXH trên địa bàn đạt hiệu quả cao”.

Theo thống kê của Trạm Y tế phường Hòa Khê, đến thời điểm này, trên địa bàn phường ghi nhận 41 ca SXH. Phần lớn số ca tập trung tại ổ dịch tổ 25 và một số ca đơn lẻ ở các tổ khác trên địa bàn. Ngày 26-5, 68 tổ thuộc phường Hòa Khê đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống. UBND phường đã chỉ đạo thành lập các đội xử lý diệt lăng quăng và yêu cầu Trạm Y tế phường rà soát, xử lý dứt điểm các khu vực trọng điểm, có các biện pháp xử lý kiên quyết đối với các tổ để dịch không lan rộng, kéo dài. Ngoài ra, phường còn huy động nguồn lực địa phương tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch SXH.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khê cho biết, hiện phường đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh vào mùa hè như: tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền sâu rộng tại các trường học…“Một số người dân còn tâm lý chủ quan và ngại dọn dẹp nhà cửa khi lực lượng phun thuốc diệt lăng quăng, bọ gậy vào nhà đã gây nhiều cản trở cho công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn. Vì vậy việc nâng cao ý thức người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng, chống bệnh SXH”, bà Nga chia sẻ.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, số ca mắc SXH trên địa bàn quận năm 2022 so với năm 2021 tăng hơn 15 lần. Mặc dù số ca tăng nhưng số ổ dịch lại giảm. Theo đó, các phường có số ca tăng cao là: Thanh Khê Tây (32,03 lần), Chính Gián (31,01 lần), Xuân Hà (26,99 lần), Tân Chính (23,89 lần). Tính đến ngày 22-6, toàn quận Thanh Khê có 411 ca SXH và 16 ổ dịch. Trước tình hình đó, Phòng Y tế đã tham mưu UBND quận ban hành công văn số 899/UBND-PYT ngày 10-5 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue và bệnh do virus Zika. Theo đó, nhiều hoạt động phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn quận đã được triển khai kịp thời và nhanh chóng. Trung tâm Y tế quận tăng cường công tác chẩn đoán và điều trị SXH; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan; tập huấn xử lý ca dịch đơn lẻ cho Trạm y tế và chuyên trách phòng chống dịch 10 phường; triển khai công tác giám sát véc-tơ định kỳ hằng tháng tại các điểm SXH (1 tháng/1 lần).

Đối với các phường có số ca mắc SXH cao, quận yêu cầu đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành; tuyên truyền, vận động và tổ chức hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần; kết hợp xử lý bọ gậy tại hộ gia đình; phát tờ rơi và loa lưu động nhằm nâng cao ý thức người dân về phòng, chống SXH. Từ đầu năm đến nay, quận Thanh Khê đã tiến hành xử lý 10/10 ổ dịch SXH (với tỷ lệ trung bình số nhà được phun hóa chất là 92%, tỷ lệ trung bình số hộ gia đình còn bọ gậy trước xử lý là 4%), tình hình dịch SXH trên địa bàn quận vẫn đang trong khả năng kiểm soát của địa phương.

Theo ông Lê Văn Them, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế quận Thanh Khê, trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động diệt bọ gậy, lăng quăng tại các hộ gia đình, trường học, công sở, nơi công cộng…, đặc biệt các tổ dân phố có nhiều ca mắc trong thời gian gần đây. Ngoài ra, sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất… đáp ứng kịp thời trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng trên địa bàn quận; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra xử lý các công trình xây dựng, lô đất trống, chợ… để có biện pháp xử lý kịp thời.

HUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.