Phòng, tránh bệnh mùa nắng nóng

.

Thời tiết đang vào hè, nắng nóng nên xuất hiện phổ biến các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, sốc nhiệt. Ngành y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, điều trị hợp lý. Ngoài ra, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) vẫn đang ở mức độ cảnh báo, cần sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương.

Cần chủ động phòng tránh các bệnh mùa hè, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người già. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: PHAN CHUNG
Cần chủ động phòng tránh các bệnh mùa hè, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người già. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: PHAN CHUNG

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Mỗi ngày, Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 1.200-1.500 lượt khám, cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đây. Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, hằng năm cứ đến thời điểm thời tiết biến động, nhiệt độ tăng cao thì số lượng bệnh nhi vào khám và điều trị lại tăng.

“Trẻ khám và làm thủ tục nhập viện chủ yếu mắc các bệnh liên quan hô hấp như: viêm phổi, viêm trên khí quản và các bệnh tiêu chảy cấp, sốt siêu vi, TCM và SXH. Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó giúp các vi khuẩn gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể”, bác sĩ Dũng cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu bố trí 14 bàn khám, trong đó có 10 bàn khám nhi, 1 bàn khám ngoại và 3 bàn khám chuyên khoa. Theo bác sĩ Dũng, mặc dù trẻ mắc những bệnh “đến hẹn lại lên”, nhưng dường như năm nào khi thời tiết thay đổi thì số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng cao.

“Phụ huynh không nên chủ quan trong việc chăm sóc con em khi thời tiết thay đổi. Để hạn chế mắc các bệnh liên quan hô hấp, tiêu hóa trong mùa hè, cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh cho trẻ ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Trong khi đó, ghi nhận tại Khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến thời tiết có dấu hiệu tăng. Theo bác sĩ Phạm Văn Tú, Trưởng khoa Lão, người lớn tuổi thường mắc đa bệnh lý, khi gặp thời tiết thay đổi thường xuất hiện thêm các bệnh về hô hấp, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Vì thế, việc phòng tránh các bệnh lý do thời tiết thay đổi cần được chủ động. Một số bệnh người cao tuổi dễ mắc trong mùa nắng nóng đó là cảm cúm, các bệnh đường hô hấp (nhẹ có thể bị sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh, viêm đường hô hấp trên, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi), tăng huyết áp kịch phát, đột quỵ do thói quen dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp kéo dài nhiều giờ, say nắng, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, do sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè và sức đề kháng giảm tạo điều kiện lây lan các tác nhân gây viêm da như viêm da dị ứng, nhiễm trùng gây mưng mủ, bệnh zona thần kinh tổn thương da, đau cơ, xương khớp xảy ra ở khớp gối, cột sống thắt lưng, các khớp ở bàn tay, bàn chân…

“Để phòng bệnh mùa hè, người cao tuổi nên lưu ý uống đủ lượng nước hằng ngày, ăn nhiều rau, trái cây, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón. Người mắc bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh cho mình để tránh bệnh tái phát, nặng thêm. Đặc biệt, không ra ngoài khi nắng gắt nếu không có công việc cần thiết… Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa mọc, chiều muộn hoặc đi bộ tùy theo sức khỏe khi trời đã dịu mát”, bác sĩ Tú chia sẻ.

Cẩn trọng với sốt xuất huyết, tay chân miệng

Các bệnh theo mùa đang được cảnh báo gia tăng hiện nay là SXH và TCM. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, mặc dù chưa bùng phát trên diện rộng nhưng số ca mắc SXH và TCM vẫn tiếp tục ghi nhận hằng ngày. Đối với SXH, từ ngày 23 đến 29-5, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc, nâng số ca mắc được ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay là 1.631 trường hợp (trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ có 129 ca). Một số địa phương có số ca mắc tăng so với tuần trước là Hải Châu (16 ca), Thanh Khê (26 ca), Sơn Trà (19 ca), Liên Chiểu (43 ca), Cẩm Lệ (31 ca). Nhiều ổ dịch được phát hiện trong tuần qua, tập trung ở một số địa phương như: Hòa Vang (7 ổ), Cẩm Lệ (4 ổ), Ngũ Hành Sơn (2 ổ). Đối với dịch TCM, trong tuần qua ghi nhận 81 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc TCM tính từ đầu năm 2022 đến nay là 546 trường hợp.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đề nghị UBND xã, phường tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Các trạm y tế thông tin đầy đủ tình hình bệnh để người dân không hoang mang, lo lắng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực triển khai các hoạt động giám sát chủ động, thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức. Đối với các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH, cần tập trung giám sát, thực hiện quy trình giám sát, xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ đúng theo quy định”, bác sĩ Thạnh cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.