Tăng cường tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19

.

UBND thành phố yêu cầu ngành y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng mũi 2 nhắc lại (mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19. Sau nhiều đợt triển khai, tuy nhiên, tâm lý chủ quan, xem Covid-19 không còn là bệnh do virus nguy hiểm gây ra là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng mũi 4 hiện nay chưa cao.

Nhân viên y tế tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố.  Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG

Thực hiện kế hoạch của ngành y tế, từ ngày 13-6, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà tổ chức tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi ở địa bàn quận. Theo thống kê, quận Sơn Trà có khoảng 111.600 người (kể cả tạm trú) nằm trong đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, để thực hiện kế hoạch tiêm mũi 4, đơn vị triển khai 7 điểm tiêm vắc-xin lưu động tại các phường trên địa bàn.

Trong các đợt tiêm trước (mũi 1, mũi 2, mũi 3), quận Sơn Trà đạt tỷ lệ tiêm lần lượt là 99,7%, 99,5% và 86,1%. Tuy nhiên, sau 10 ngày triển khai tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19, toàn địa bàn quận Sơn Trà chỉ mới có hơn 2.200 người tham gia tiêm (đạt tỷ lệ khoảng 1,99% kế hoạch). “Quận giao trách nhiệm cho các phường trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia tiêm vắc-xin. Về phía ngành y tế, chúng tôi cũng thiết lập các điểm tiêm lưu động thuận lợi, rút ngắn khoảng cách đi lại hơn rất nhiều so với các mũi tiêm trước. Tuy nhiên trên thực tế, số người tham gia tiêm mũi 4 đều rất ít so với kế hoạch, mục tiêu đề ra”, bác sĩ Hoài cho biết.

Cũng giống như Sơn Trà, các địa phương trên địa bàn thành phố đã, đang tổ chức tiêm vắc-xin mũi 4 cho người dân đủ điều kiện. Tính đến ngày 23-6, trung tâm y tế các quận, huyện đã tiêm vắc-xin mũi 4 như: Cẩm Lệ (2.192 mũi, tỷ lệ 8,4%), Hải Châu (2.181 mũi, tỷ lệ 3,9%), Hòa Vang (1.786 mũi, tỷ lệ 6,9%), Liên Chiểu (3.542 mũi, tỷ lệ 9,1%), Ngũ Hành Sơn (2.415 mũi, tỷ lệ 11,8%)…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 243.400 người trên 18 tuổi nằm trong nhóm đối tượng tiêm vắc-xin mũi 4. Bắt đầu từ ngày 13-6, Sở Y tế phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 4 cho nhóm đối tượng này. Tính đến ngày 23-6, toàn thành phố có khoảng 20.850 người tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 8,6%).

Đối với người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Y tế cũng giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đôn đốc, tuyên truyền, gửi thông báo đến các doanh nghiệp về lợi ích, trách nhiệm, thời gian và địa điểm tiêm chủng. Theo ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 đối với người lao động trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 3,2%, trong khi tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 trước đây lần lượt là 99,8%, 98,5% và 93,8%.

“Hiện nay số lượng lao động tham gia tiêm mũi 4 thấp hơn nhiều so với kết quả khảo sát trước đó. Nguyên nhân là do qua đợt dịch cao điểm vừa qua, phần lớn người lao động đã bị nhiễm Covid-19 và lành bệnh nên chủ quan không tiêm mũi 4. Ngoài ra, một số trường hợp có vấn đề về sức khỏe khi tiêm các mũi trước nên họ có tâm lý e ngại”, ông Tỵ cho biết.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, sau hơn 10 ngày triển khai kế hoạch tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố, tỷ lệ người tham gia hết sức khiêm tốn, đạt khoảng 9% kế hoạch. Nguyên nhân, theo bác sĩ Trình, do tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã có dấu hiệu giảm. Điều này khiến người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, trong đó có việc từ chối tiêm vắc-xin.

“Cũng chính vì dịch giảm nên có thực tế di biến động dân cư nên rất nhiều trường hợp khi chúng tôi nhắn tin mời đi tiêm thì thực tế đã không còn lưu trú tại Đà Nẵng. Ngoài ra, một số thông tin không chính thống trên mạng xã hội đã xuyên tạc không đúng về vai trò, lợi ích của vắc-xin, điều này tạo nên tâm lý e ngại cho người dân”, bác sĩ Trình cho biết.

Trước thực trạng ít người dân tham gia tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19, UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm nhắc lại, củng cố miễn dịch để phòng chống dịch bệnh bùng phát trở lại. UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát và lập danh sách các đối tượng tiêm chủng mũi 4 do địa phương quản lý; bàn giao danh sách các đối tượng tiêm chủng cho đơn vị phụ trách tiêm chủng để triển khai, đồng thời tuyên truyền, thông tin rộng rãi đối tượng và thời gian triển khai để người dân nắm thông tin và tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian.

“Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân mắc Covid-19 lần 2 do kháng thể trong cơ thể đã không còn. Mặc dù tình hình không còn nghiêm trọng như trước nhưng hậu Covid-19 vẫn để lại những hậu quả nặng nề. Tiêm vắc-xin là một trong những cách để bảo vệ cơ thể, bảo vệ người thân trước những nguy cơ mắc Covid-19 và chủ động tránh được những vấn đề về sức khỏe”, bác sĩ Trình nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.