Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng: 46 năm xây dựng và phát triển

.

Ngày 27-10, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tổ chức khánh thành cơ sở mới với quy mô 300 giường trên đường Đinh Gia Trinh, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và kỷ niệm 46 năm ngày thành lập bệnh viện (27-10-1976 – 27-10-2022). 46 năm qua, bệnh viện không ngừng phát triển cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây cũng là dịp tập thể đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện phát huy truyền thống tốt đẹp, đề ra tầm nhìn, giá trị cốt lõi của bệnh viện trong giai đoạn mới.

Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tổ chức khánh thành cơ sở mới với quy mô 300 giường bệnh trên đường Đinh Gia Trinh, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tổ chức khánh thành cơ sở mới với quy mô 300 giường bệnh trên đường Đinh Gia Trinh, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Lịch sử hình thành bệnh viện

Cách đây tròn 46 năm, Bệnh viện Đông y trực thuộc Ty Y tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) được thành lập theo Quyết định số 4333/QĐ/TC-UB do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long ký ngày 27-10-1976. Bệnh viện Đông y buổi đầu hoạt động tại cơ sở số 2 Lê Lợi (Đà Nẵng) do bác sĩ Vũ Văn Tiên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Đông y thuộc Ban dân y Khu V làm Bệnh viện trưởng. Do một số trở ngại, bệnh viện không triển khai thực hiện được 100 giường nội trú theo kế hoạch.

Ngày 16-3-1977, UBND tỉnh QN-ĐN ra Quyết định số 795/QĐ-UB quyết định hợp nhất Bệnh viện Đông y và Bệnh viện đa khoa Hội An, trở thành Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh QN-ĐN tại địa chỉ số 0-4 Phan Đình Phùng, Hội An. Với quy mô 300 giường, trong đó có 35 giường tại Khoa Thừa kế Đông y và 35 giường thừa kế tại các khoa lâm sàng khác. Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh QN-ĐN là mô hình kết hợp giữa y học dân tộc và y học hiện đại, thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn của các cấp lãnh đạo thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, đến năm 1987, theo Quyết định số 2739/QĐ-UB ngày 27-8-1987 của UBND tỉnh, Khoa Thừa kế Đông y của Bệnh viện Y học dân tộc tại Hội An được tách ra và chuyển về địa chỉ 411 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng để tái lập Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh, còn cơ sở Bệnh viện Hội An giao cho ngành y tế thị xã Hội An quản lý.

Trong những ngày đầu tái lập, bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa và 4 y sĩ chuyên khoa về y học dân tộc, cơ sở tận dụng sẵn, vốn là nhà hộ sinh, không phải là mô hình của bệnh viện, diện tích chật hẹp, chỉ có một ngôi nhà 4 tầng, còn lại là nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng nhiều, phương tiện, dụng cụ chuyên môn chuyển giao từ Hội An về quá cũ kỹ,… Tuy vậy, tập thể lãnh đạo bệnh viện do bác sĩ Nguyễn Văn Sâm làm giám đốc; bác sĩ Lê Trung Chính và dược sĩ Trần Văn Chinh làm phó giám đốc, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên đã nêu cao quyết tâm xây dựng bệnh viện từng bước trưởng thành và phát triển.

Đến đầu năm 1997, theo chủ trương chia tách tỉnh QN-ĐN thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, một lần nữa, Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh QN-ĐN lại tách thành 2 bệnh viện chuyên ngành y học cổ truyền cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đây là thách thức, cũng là cơ hội cho hai bệnh viện tiếp tục phát triển trong giai đoạn lịch sử mới.

Tại Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền đã được đầu tư xây dựng cơ sở mới với quy mô 100 giường trên diện tích hơn 5.000m2 tại số 9 Trần Thủ Độ, gần Nghĩa trủng Hòa Vang, được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Theo đà phát triển của một thành phố trẻ, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã phát triển toàn diện và liên tục tăng nhanh số giường bệnh kế hoạch, từ năm 2014 mỗi năm tăng 20-30 giường, vì vậy cơ sở mới số 9 Trần Thủ Độ chẳng bao lâu đã trở thành tấm áo quá chật. Được sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành, một mặt bệnh viện được giao thêm cơ sở 2 tại địa chỉ 342 Phan Châu Trinh từ tháng 3-2015 làm cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú để giảm quá tải tại cơ sở chính, một mặt được đầu tư xây dựng cơ sở bệnh viện mới với quy mô 300 giường, trên diện tích hơn 22.000m2 tại đường Đinh Gia Trinh, phường  Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Được khởi công từ tháng 4-2019, đến nay cơ sở mới Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng và đầu tư trang thiết bị, được bàn giao đưa vào sử dụng, hoạt động ổn định phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong và ngoài thành phố Đà Nẵng, mỗi ngày bình quân hơn 400 lượt bệnh nhân nội trú. 

Phát triển thành bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hàng đầu khu vực

Để có được những kết quả nổi bật và thành tựu đáng tự hào của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng qua 46 năm xây dựng và trưởng thành, ngoài sự tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo cùng những cố gắng của ban giám đốc và đội ngũ cán bộ chủ chốt, có sự đóng góp rất lớn từ sự nổ lực, cống hiến, tận tụy, hy sinh của tất cả tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn căng mình chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Không ai khác, chính các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên là những người đã tích cực tham gia các khóa đào tạo sau đại học, đào tạo liên tục, đào tạo theo ê-kíp để cập nhật kiến thức, kỹ năng và sử dụng thuần thục, có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại mới được đầu tư nhằm nâng cao lực khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Những thầy thuốc, kỹ thuật viên, người lao động đã nỗ lực học tập, quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin hiện đại mới được trang bị, nhằm bảo đảm nhu cầu chuyển đổi số của bệnh viện và tiến tới thành lập phòng khám thông minh, bệnh án điện tử. Tập thể bệnh viện cùng các chuyên gia thầm lặng đang lao động cống hiến hết mình tại bệnh viện là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ, nhà báo, tìm đến và sáng tác những bài thơ, bút ký, nhạc phẩm, bức tượng, phóng sự, phim tài liệu…  để tri ân và lan tỏa “Năng lực - Tình thương - Trách nhiệm” đến với mọi người, mọi nhà.

Trước cơ sở của bệnh viện mới khang trang hiện đại được xây dựng gắn với trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ban giám đốc và cán bộ chủ chốt bệnh viện luôn trăn trở và nhận thấy những cố gắng nỗ lực trong thời gian qua là chưa đủ, nhất là chưa đổi mới mạnh mẽ tư duy, cải cách phương pháp, đề ra những chiến lược dài hạn nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho đội ngũ thầy thuốc, công viên chức, người lao động.

Hy vọng trong thời cơ vận hội mới, tập thể Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng sẽ chung sức chung lòng, đoàn kết xây dựng bệnh viện không chỉ vững mạnh về chuyên môn, bảo đảm về đời sống kinh tế, mà còn thấm nhuần những lối sống văn hóa đẹp đẽ, nếp sống an lạc hạnh phúc, chú trọng đời sống tinh thần trong văn hóa Á Đông: trọng tình, trọng đức, trọng tập thể, dung hòa, ứng biến, linh hoạt mà các bậc Y tổ Tuệ Tĩnh, Lãn Ông…  đã đúc kết để lại di sản Y dược cổ truyền Việt Nam. Phương châm bệnh viện hướng tới là xây dựng không gian văn hóa y dược cổ truyền, đánh thức tiềm lực y dược cổ truyền, phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu lâu dài là phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng thành bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ngang tầm với các các bệnh viện y học cổ truyền lớn trong cả nước.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN VĂN ÁNH
Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.