Phòng, chống bệnh hô hấp, sốt xuất huyết

.

Thời tiết chuyển mùa mưa là lúc xuất hiện nhiều bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết (SXH), siêu vi… Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh về hô hấp, nhất là các đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người già, người giảm đề kháng do mắc các bệnh nền sẵn... Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch SXH.

Người dân đến làm thủ tục và chờ khám các bệnh về hô hấp tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân đến làm thủ tục và chờ khám các bệnh về hô hấp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Gia tăng bệnh về hô hấp

Mỗi ngày Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận khám cho 1.200-1.300 bệnh nhi, nhiều hơn bình thường 200-300 bệnh nhân. Điều đáng nói, 2/3 trong số các trẻ được người nhà đưa đến bệnh viện khám đều mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó khoa Khám đa khoa - Cấp cứu cho biết, mùa này, trẻ em thường gặp các bệnh về hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Các triệu chứng bệnh phổ biến như ho đờm, ho liên tục, sốt nhẹ hoặc sốt cao, chảy mũi, đau họng, trường hợp nặng trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở…

Số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng cao, ngoài yếu tố thời tiết mùa mưa độ ẩm cao, còn những nguyên nhân khác như ô nhiễm không khí, trẻ nhỏ miễn dịch còn yếu nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. “Để đề phòng bệnh hô hấp cho trẻ, phụ huynh cần tránh cho trẻ không bị thay đổi thời tiết đột ngột bằng cách giữ ấm trẻ, đặc biệt ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Không cho trẻ tiếp xúc gần với những người lớn đang mang bệnh.

Với các trường hợp bệnh hô hấp nhẹ và không có biến chứng, cần cho trẻ ăn uống bình thường, tăng cường rau xanh, cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi bé trước khi cho ăn, cho bú. Theo dõi nhiệt độ hằng ngày, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn... Tất nhiên, trước đó phải đưa trẻ đi khám và lắng nghe tư vấn từ bác sĩ, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các loại thuốc mà không kê đơn”, bác sĩ Dũng cho biết.

Cùng với trẻ em, người già, người giảm đề kháng do mắc các bệnh nền sẵn là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết chuyển mùa. Tại Khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng, số bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp liên tục tăng trong thời gian qua.

Bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng cho biết, thời tiết thay đổi người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi… nhất là với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về đường hô hấp dễ gây ra những biến chứng khó lường. Đa số người cao tuổi khi mắc các bệnh đường hô hấp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt như sốt, ho, chảy nước mũi, đau ngực, rét run, khó thở...

“Để bảo vệ sức khỏe, người cao tuổi cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể bằng cách thường xuyên mặc đủ ấm. Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào, nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Đặc biệt, khi có các triệu chứng về bệnh hô hấp, cần đến các cơ sở y tế, phòng khám để được chẩn đoán, kê đơn, điều trị. Hiện nay có tình trạng lạm dụng kháng sinh, tùy tiện điều trị các triệu chứng cảm cúm không qua đơn bác sĩ. Điều này hết sức nguy hiểm, không những không khỏi bệnh mà còn nguy hại đến bản thân”, bác sĩ Quang khuyến cáo.

Ca sốt xuất huyết tăng

Liên tục trong 2 tuần qua, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố đều hơn 200 ca/tuần. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính đến đầu tháng 10, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 6.200 trường hợp, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương ghi nhận nhiều ca mắc SXH như Liên Chiểu (1.600 ca), Hòa Vang (1.089 ca), Thanh Khê (896 ca), Ngũ Hành Sơn (697 ca)…

Trong 2 tuần, ngành y tế và các địa phương ghi nhận 37 ổ dịch nhỏ xuất hiện trong khu dân cư. CDC Đà Nẵng cho biết, SXH Dengue (thường gọi là SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau. Trong trường hợp bị nặng, bệnh nhân sẽ bị sốc do giảm khối lượng máu lưu hành, nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hiện SXH chưa có thuốc đặc trị, nên phòng bệnh là giải pháp tốt nhất.

“Để phòng, chống SXH hiệu quả, các địa phương cần tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Cử cán bộ của UBND phường, xã giám sát trong quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi xử lý ổ dịch nhỏ và phun diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao. Đối với ngành y tế, cần tiếp tục tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao đồng thời thực hiện quy trình giám sát, xử lý ổ dịch nhỏ đúng theo quy định”, bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, kế hoạch phòng, chống SXH được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đến từng địa phương, trong đó đề cao vai trò của chính quyền địa phương các cấp. “Đặc biệt, khi mắc SXH, người dân cần chủ động đưa con, em và người thân đến các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn và điều trị kịp thời. Ngành y tế kêu gọi, phát động chiến dịch toàn dân tham gia phòng, chống SXH mà cách hiệu quả nhất chính là diệt lăng quăng bằng cách hạn chế tối đa môi trường sinh sôi của muỗi. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả động đồng, các địa phương, khu dân cư, tổ dân phố và bản thân mỗi hộ gia đình. Tổ chức phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh thoát nước, lấp các nơi ao tù, nước đọng, dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng ứ đọng nước sau mưa...”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.