Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa

.

Mưa và ngập lụt nhiều nơi là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus, vật trung gian truyền bệnh phát triển và gây bệnh. Ngành y tế khuyến cáo, những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết… Người dân cần chủ động phối hợp với địa phương, cơ quan y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống cần thiết.

Nhân viên y tế phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

Sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Theo bác sĩ Nguyễn Triêm, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phong, nguy cơ dịch bệnh có khả năng xuất hiện, mặc dù các hậu quả do lũ lụt gây ra đến nay về cơ bản đã được khắc phục. “Những năm trở lại đây, người dân địa phương quay trở lại thói quen sử dụng nguồn nước từ giếng đào. Đợt ngập lụt vừa qua có hàng trăm giếng nước bị nhiễm khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da”, bác sĩ Triêm cho biết. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà Trạm Y tế xã Hòa Phong triển khai ngay khi nước rút là xử lý nguồn nước bằng Chloramin B, hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa, các vật dụng sinh hoạt bị ngập nước.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, tình hình ngập lụt vào mùa mưa xảy ra thường xuyên hằng năm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Nhiều địa phương như xã: Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Khương… bị ngập, một số khu vực ngập sâu và nước lâu rút. Điều này là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh bùng phát. Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 339/650 tổ dân phố, 12.400 hộ dân, 2.189 giếng khơi và 36 điểm công cộng bị ngập cần được xử lý. “Các điểm ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ngành y tế huyện phối hợp địa phương tiến hành xử lý hóa chất. Đối với những khu vực công cộng thì phun khử khuẩn bằng Chloramin B. Đối với hộ gia đình, đặc biệt là những nơi còn sử dụng nguồn nước từ giếng khơi, nhân viên y tế cấp phát viên khử trùng Aquatabs và trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Tình trạng ngập lụt xảy ra tại hầu hết các địa phương sau đợt lũ vừa qua. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, nếu sau lũ người dân chủ yếu tập trung khắc phục các hậu quả vật chất mà lơ là trong phòng, chống dịch bệnh thì hết sức nguy hiểm. Bởi đây là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh hình thành, bùng phát.

“Hiện nay địa phương chưa ghi nhận tình hình dịch bệnh phát triển mạnh sau lũ nhưng để bảo đảm, kiểm soát tốt, các đơn vị y tế cũng đã chủ động triển khai các biện pháp cần thiết. Đặc biệt, những trường hợp bị ngập do lũ, chúng tôi tập trung nguồn lực để phun hóa chất khử khuẩn, hỗ trợ, hướng dẫn vệ sinh kỹ bề mặt tiếp xúc, xử lý nguồn nước nếu cần, bảo đảm môi trường an toàn khi con, em đến lớp”, bác sĩ Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, việc xử lý môi trường sau mưa lũ là hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng virus gây bệnh có thể phát triển. Theo đó, lực lượng y tế địa phương có nhiệm vụ hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống bằng các giải pháp như thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh các giếng khoan, giếng đào, nguồn nước tự chảy, bể chứa nước ngầm, xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn sau mưa, diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng…

“Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng phân công cán bộ thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Phối hợp các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường theo dõi, phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non và thông báo kịp thời cho ngành y tế trên địa bàn để xử lý. Hiện nay đơn vị đã phân bổ 34.000 viên Aquatabs, 280kg Chloramin B để phục vụ công tác xử lý nước, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Hóa cho biết.

Để phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, sở y tế các địa phương chủ động giám sát, phòng, chống các bệnh thường gặp. Trong đó, đáng lưu ý là bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.Coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A; các bệnh về hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp; bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ và bệnh ngoài da như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt và đặc biệt là sốt xuất huyết do muỗi truyền. Để phòng, chống bệnh hiệu quả, ngoài thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn chín uống sôi, cần tăng cường vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để hạn chế virus phát triển, phun, xử lý hóa chất theo hướng dẫn. Đặc biệt, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc không qua kê đơn.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.