Như nhiều địa phương trong cả nước, một số loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố hiện đã hết, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sự thiếu hụt nguồn vắc-xin này xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh trong chính sách mua vắc-xin. UBND thành phố đã có công văn gửi Bộ Y tế đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời tình trạng gián đoạn, chậm tiêm chủng do thiếu vắc-xin.
Nguồn cung vắc-xin gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả tiêm chủng và phòng ngừa dịch bệnh. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin phòng Viêm gan B cho thanh, thiếu niên. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nhiều loại vắc-xin đã hết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố vừa có báo cáo về tình hình tiêm chủng mở rộng, số lượng vắc-xin hiện có trên địa bàn thành phố gửi Viện Pasteur Nha Trang. Theo báo cáo, đến cuối tháng 4 vừa qua, một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã hết, số còn lại cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong một thời gian ngắn.
Cụ thể, vắc-xin phòng ngừa lao (BCG) hiện còn 2.600 liều; bại liệt (OPV) còn 7.500 liều; sởi còn 3.390 liều; uốn ván còn 3.000 liều; viêm não Nhật Bản còn 2.395 liều… Một số loại vắc-xin phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (SII) hiện đã hết. Riêng vắc-xin phòng ngừa bại liệt (IPV) hiện chỉ còn hơn 500 liều.
Không chỉ trong hoạt động tiêm chủng mở rộng, việc tiêm vắc-xin dịch vụ theo yêu cầu khách hàng cũng đang bị gián đoạn do nguồn cung vắc-xin đã hết. Sáng 18-5, ghi nhận tại Trung tâm tiêm chủng, CDC Đà Nẵng, một số phụ huynh sau khi đến tìm hiểu thông tin, đăng ký tiêm vắc-xin cho con phải trở về.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Hoài (trú quận Ngũ Hành Sơn) chở con đến tiêm vắc-xin viêm gan B, loại Heberbiovac 0,5 ml (xuất xứ Cuba) nhưng được thông báo là hết hàng. “Bạn bè, người quen đã tiêm loại vắc-xin này nên giới thiệu, nay mình đưa con đi tiêm mũi nhắc lại nhưng đã hết hàng, hiện không biết khi nào sẽ có lại để tiêm cho con nữa”, chị Hoài lo lắng. CDC Đà Nẵng cũng thông báo một số loại vắc-xin tiêm dịch vụ hiện đã hết hàng như Infanrix Hexa (6 trong 1: BH-HG-UV-BL-Gan B-HIB, xuất xứ Bỉ); vắc-xin cúm GC Flu Tetra (Hàn Quốc); Viêm gan A Avaxim 80IU (Pháp); Viêm màng não do HIB - Quimi- HIB (Cuba)...
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, tiêm chủng đúng, đủ liều có vai trò hết sức quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh. “Mục tiêu của CDC cũng như các đơn vị, địa phương là tiếp tục duy trì tiêm chủng đầy đủ, nhất là cho trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi mắc 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Đồng thời, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ mắc và tiến đến thanh toán một số bệnh truyền nhiễm gây dịch theo định hướng của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”, bác sĩ Hóa cho biết.
Địa phương gặp khó
Liên quan đến nguồn cung ứng vắc-xin trong hoạt động tiêm chủng mở rộng, ngày 3-4-2023, Bộ Y tế ban hành văn bản số 1810/BYT-KH-TC về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.
Cụ thể: Từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ Bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc-xin.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, dự trù số lượng các loại vắc-xin trong thời gian tới. “Vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể. Hiện Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm chủng các loại vắc-xin hiện còn; đồng thời lập danh sách trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm để mời ra tiêm ngay khi các vắc-xin được cung ứng trở lại”, bác sĩ Thủy cho biết.
Trước tình trạng thiếu vắc-xin và gián đoạn nguồn cung hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị có liên quan rà soát các nội dung liên quan để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, quá trình rà soát các văn bản, nội dung có liên quan đến việc mua sắm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, địa phương còn gặp một số vấn đề vướng mắc, khó khăn.
Cụ thể, việc xây dựng giá kế hoạch vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về giá trúng thầu, giá kê khai của các loại vắc-xin, một số loại vắc-xin không tìm thấy thông tin về giá. Điều này gây khó khăn cho việc trình cấp kinh phí và xây dựng kế hoạch mua sắm vắc-xin.
Ngoài ra, quy trình đấu thầu mua sắm thông thường kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, chưa kể các thủ tục cấp và phê duyệt kinh phí triển khai. Vì vậy, nếu việc giao cho các địa phương tự tổ chức thực hiện việc mua vắc-xin theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì có khả năng đến cuối năm 2023 mới có kết quả đấu thầu.
“UBND thành phố vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét tiếp tục chủ trì mua sắm, cung ứng thuốc, vắc-xin trong năm 2023 để bảo đảm quản lý, điều phối giữa các tỉnh/thành. Trong trường hợp vẫn giao các địa phương thực hiện mua sắm thì Bộ Y tế có các văn bản quy định rõ ràng về nguồn kinh phí và các hướng dẫn chuyên môn có liên quan như đã nêu ở trên, để địa phương căn cứ triển khai thực hiện theo quy định. Việc thiếu vắc-xin cục bộ tại bất cứ địa phương nào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai, cũng như tỷ lệ bao phủ vắc-xin dẫn đến bùng phát dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.
PHAN CHUNG