Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQLATTP) thành phố phối hợp các địa phương nhân rộng và duy trì mô hình chợ bảo đảm ATTP. Đây là mô hình làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt các chợ truyền thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đặc biệt là hạn chế phát sinh lây lan dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chợ Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Ảnh: PV |
Chợ Phước Mỹ (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) lần đầu tiên được công nhận là chợ bảo đảm ATTP vào năm 2019. Sau 3 năm duy trì, mới đây trên cơ sở tham mưu, đề xuất của địa phương, BQLATTP tiếp tục công nhận chợ này đạt chuẩn ATTP theo các tiêu chí được quy định của UBND thành phố.
Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng BQL chợ quận Sơn Trà cho biết, khi triển khai xây dựng chợ ATTP, nhiều hạng mục đã được cải tạo, nâng cấp để phù hợp với bộ tiêu chí. Chợ được bố trí tập trung theo từng ngành hàng, theo từng khu vực riêng biệt và có đường đi tối thiểu 1,2m giữa các ngành hàng; nền chợ nơi bán thực phẩm được lát gạch men và có rãnh thoát nước theo từng lô, cống thoát nước từng khu vực bảo đảm thoát nước tốt, không đọng nước, dễ làm vệ sinh.
Bên cạnh đó, rất nhiều tiêu chí khác như: tiêu chí về vị trí, địa điểm; tiêu chí hệ thống chiếu sáng, nước sử dụng, khu vực bán gia cầm, thùng rác, nhà vệ sinh… đều được xây dựng, cải tạo theo đúng quy định.
“Trong quá trình hoạt động cũng như hướng đến mục tiêu duy trì lâu hơn, tốt hơn mô hình chợ ATTP, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu BQL chợ tuân thủ thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh, môi trường, tổ chức các hoạt động thu gom rác thải đều đặn 2 lần/tuần. Yêu cầu các tiểu thương sử dụng nguồn nước thủy cục đạt tiêu chuẩn chất lượng trong kinh doanh, buôn bán.
Điều quan trọng là ý thức của các tiểu thương đã thay đổi theo hướng tích cực, đó là chủ động trang bị phương tiện, dụng cụ thu gom rác thải, không vứt rác xuống nền nhà; các trang thiết bị, quầy hàng bày bán thực phẩm đã thay mới hoàn toàn bằng inox, thiết kế độ cao, khoảng cách rất phù hợp để không bị thấm nước, ô nhiễm hay ăn mòn…”, ông Thành cho biết.
Mô hình chợ ATTP được triển khai từ năm 2018, trên cơ sở thực hiện Quyết định số 5556/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện về ATTP. Theo BQLATTP thành phố, hiện nay thành phố có 70 chợ truyền thống, trong đó cấp quận, huyện, xã, phường quản lý 65 chợ.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ do UBND thành phố giao, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo đảm ATTP tại các chợ truyền thống. Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã xây dựng, duy trì 22 mô hình chợ bảo đảm ATTP.
Theo ông Võ Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ, BQLATTP thành phố, các chợ được công nhận chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP đều được nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, các khu vực ngành hàng thực phẩm được quy hoạch, bố trí hợp lý, điều kiện vệ sinh tại chợ được cải thiện rõ rệt, hệ thống cống rãnh được nâng cấp, không còn tình trạng đọng nước, chất bẩn; hệ thông cấp điện, cấp nước, quầy bán thực phẩm, bàn kinh doanh thủy sản, kệ rau củ quả được trang bị băng vật liệu chống rỉ, dễ dàng vệ sinh.
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh thường xuyên được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách bảo quản, kinh doanh thực phẩm, vì vậy ý thức bảo đảm ATTP của các tiểu thương được nâng cao, tình trạng sơ chế, chế biến trên nền chợ không còn diễn ra, thực phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đúng quy định.
“Định kỳ hằng năm, BQLATTP triển khai kế hoạch kiểm tra việc duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại các chợ đã được công nhận chợ ATTP và lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các chợ để đưa ra những cảnh báo kịp thời. Theo định kỳ cứ 3 năm, những chợ đã đạt tiêu chuẩn về ATTP sẽ được thẩm định từ các cơ quan chức năng có liên quan, nếu các tiêu chí về chợ ATTP vẫn đảm bảo thì chợ tiếp tục duy trì theo mô hình này”, ông Phong cho biết.
Hằng năm, dựa trên điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương được chủ động đăng ký xây dựng chợ bảo đảm ATTP với số lượng tối thiểu là 1 chợ/quận, huyện/năm. Tuy nhiên, theo BQLATTP thành phố, phần lớn các chợ tại địa phương đã được xây dựng và đưa vào sử dụng lâu năm nên cơ sở vật chất, hạ tầng đã xuống cấp, thiết bị phục vụ còn thiếu.
Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 kéo dài đã ít nhiều làm thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh, nhiều hộ kinh doanh đã tạm ngừng hoạt động nên việc vận đồng nguồn vốn xã hội hóa cũng như từ nguồn thu hoạt động kinh doanh bị giảm. Thực tế này diễn ra khiến việc nhân rộng chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố gặp khó khăn.
PHAN CHUNG