ĐNO - Không chỉ dừng lại ở hoạt động trái phép, các cơ sở thẩm mỹ “chui” còn cung cấp nguyên - vật liệu thẩm mỹ không rõ nguồn gốc và thực hiện các dịch vụ xâm lấn gây ra nhiều hiểm họa khôn lường cho sức khỏe và tính mạng người dân. Để chấn chỉnh và siết chặt quản lý các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng, phóng viên Báo Đà Nẵng xâm nhập thực tế và điều tra về vấn đề này.
Bài 1. Những chuyện bi hài từ làm đẹp
Ngày nay, nhu cầu làm đẹp, thẩm mỹ ngày càng nhiều. Nhưng do thiếu thông tin, kiến thức và lựa chọn cơ sở làm đẹp không đúng nên tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ tăng cao. Trong khi đó, tâm lý bệnh nhân thường e ngại và giấu kín sau khi bị tai biến khiến sự việc càng trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ Huỳnh Đức Sơn, Phó Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Thẩm mỹ Gia Đình thăm khám cho một khách hàng tại Bệnh viện Gia Đình. Ảnh: Đ.H.L |
Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin
Tôi gặp chị N.T.T.T (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) khi chị vừa mới đi phun môi về được mấy ngày. Từ một gương mặt xinh xắn, tự tin thì nay chị phải bịt kín khẩu trang và cảm thấy ngại ngùng khi gặp mọi người do đôi môi sưng tấy và ửng đỏ như vừa bị ong đốt.
Câu chuyện dở khóc dở cười này bắt nguồn từ một chủ quán cà phê giới thiệu cơ sở spa của người quen trên đường Nguyễn Hoàng. Trước lời ngon ngọt của chị chủ quán, chị T. đã không ngần ngại quyết định đi làm ngay. Chị T. chia sẻ: “Chị chủ quán khen tôi có khuôn mặt đẹp nhưng đôi môi chưa tươi tắn và khuyên tôi nên đi phun môi để khỏi bôi son hằng ngày. Rồi sau đó, chị giới thiệu một chủ spa là bạn của chị ấy làm môi bằng phương pháp phun collagen giúp môi mềm mỏng và có màu môi tươi tự nhiên.
Công việc của tôi hay gặp đối tác nên lúc đầu tôi cũng rất phân vân nhưng với sự giới thiệu nhiệt tình và kết nối người quen nên tôi yên tâm hơn. Theo chị chủ quán, với kỹ thuật công nghệ cao, nhiều khách đã được cơ sở spa này làm rất đẹp nên tôi quyết định đi làm bất chấp sự can ngăn của gia đình và bạn bè”.
Khi thực hiện phun môi, chị T. được chủ cơ sở spa đứng ra làm trực tiếp. Môi chị T. được ủ tê trước khi đi đầu mũi kim trên bề mặt môi và phun xăm collagen. Ngày đầu, chị T. được hướng dẫn bôi chất làm ẩm môi liên tục. Sang ngày hôm sau thì môi bắt đầu thâm dần và bong tróc từng mảng. Tuy nhiên, chị T. được khuyên là không được thò tay gỡ mà phải để bong ra tự nhiên thì mới có làn môi đỏ tươi như thật.
“Trong 3 ngày đầu, môi tôi bị sưng vù như môi cá chép. Những ngày sau đó, tôi phải thực hiện ăn uống kiêng khem như thức ăn lỏng, tránh nhai nhiều. Đặc biệt, ít nhất trong 5 ngày phải hạn chế chất kích thích như cà phê, nước uống có ga, mực, tôm, cua, rau muống, thịt bò nhằm tránh gây xưng tấy và bị sẹo lồi; đồng thời uống thuốc kháng sinh để giảm đau. Tuy nhiên, môi tôi vẫn không lên màu tự nhiên mà trở nên đỏ chót do dùng thuốc quá đậm màu. Tôi thực sự cảm thấy thất vọng khi màu môi không đều và lên màu không đúng ý mình”, chị T. chia sẻ.
Trong quá trình làm môi, chủ spa còn “vẽ ra” đủ thứ cách làm đẹp để dụ chị T. tiếp tục sử dụng thêm các dịch vụ của mình như thu gọn mũi, làm mặt thon gọn, làm chân mày đẹp. “Mỗi khi đi chăm sóc da, các spa còn tiếp cận xin thông tin bạn bè, người thân của tôi để thực hiện chiêu trò giảm giá hỗ trợ làm đẹp cho chị em. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được tin nhắn mời qua spa để chăm sóc da, tắm trắng, mua bộ sản phẩm dưỡng môi, tiêm filler, gọt cằm, xăm chân mày, nâng mí, nhấn mí, làm thon gọn mũi, nâng mũi... Đặc biệt, họ thường đánh vào tâm lý phụ nữ sau sinh khi thay đổi nội tiết tố để cải thiện tình trạng chảy xệ vùng bụng, nám da, cắt và hút mỡ bụng... để thuyết phục khách hàng”, chị T. cho biết thêm.
Tiền mất, tật mang
Một bệnh nhân bị di chứng sau khi tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng và đến khám tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L |
Bác sĩ Chuyên khoa 1 (CK1) Võ Hồng Hà, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho biết, sau khi Covid-19 được kiểm soát, người dân có nhu cầu đi làm đẹp ngày càng nhiều và tình trạng di chứng xảy ra sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”, không phép, đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng điều trị cũng tăng lên rõ rệt.
Bác sĩ Hồng Hà vẫn còn nhớ trường hợp đặc biệt vào đầu tháng 8-2022 khi khách đến khám là một bà mẹ chồng bị phản ứng mô hạt do chính con dâu mình tự tay tiêm mesotherapy (tiêm meso) khi cô ta tự mua thuốc về tiêm tại cơ sở làm nail của mình. Phương pháp tiêm meso là sử dụng sản phẩm để tiêm vào trong da nhằm trẻ hóa da, căng bóng và xóa nhăn. Sau khi được điều trị kéo dài 3 tháng tại bệnh viện, người mẹ chồng này mới trở lại bình thường.
Sau ca này, hằng tháng, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng tiếp nhận nhiều ca bệnh có di chứng sau điều trị thẩm mỹ. Số lượng khách tới khám để can thiệp phục hồi trở lại tăng gấp 3-4 lần so với mọi năm. Trước đây, mỗi tháng ghi nhận từ 1-2 ca thì nay, tuần nào cũng có bệnh nhân tới khám.
“Đa phần bệnh nhân đến khám bị biến chứng do tiêm filler, botox, meso. Bệnh nhân bị nhiễm trùng, biến dạng gương mặt, tạo phản ứng mô hạt. Bệnh viện sẽ điều trị nội khoa, còn đối với phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình mắt, tạo hình mũi, tạo hình má lúm đồng tiền bị biến dạng, nhiễm trùng thì bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Đà Nẵng để làm lại. Nguyên nhân thông thường là do làm ở những cơ sở thẩm mỹ “chui”, hoặc các cơ sở spa không có bác sĩ. Sản phẩm sử dụng tiêm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, không được bác sĩ thực hiện trực tiếp. Mỗi ca trung bình điều trị mất từ 2-3 tháng mới hồi phục, có trường hợp nặng thì kéo dài tận nửa năm”, bác sĩ Hồng Hà chia sẻ.
Trong khi đó, Trung tâm Thẩm mỹ Gia Đình (Family Biel) thuộc Bệnh viện Gia Đình cũng thường xuyên tiếp nhận những ca đến điều trị do những sự cố xảy ra sau khi làm đẹp, trung bình vài ba ca mỗi tháng. Bác sĩ Huỳnh Đức Sơn, Phó Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Thẩm mỹ Gia Đình, Bệnh viện Gia Đình cho biết, có một trường hợp nữ đến Trung tâm điều trị sau khi tiêm silicon lỏng vào vùng ngực để làm đầy ngực ở cơ sở thẩm mỹ bên ngoài.
“Khi đến Trung tâm thăm khám, chị nói với tôi là tiêm mỡ nhân tạo, khi đó tôi đã nghĩ ngay đến silicon vì đã qua 3-4 năm mà sản phẩm tiêm vào vẫn chưa tan được. Lúc này silicon đã hình thành nên cục vón- gọi là u silicon, những cục đó càng ngày càng lớn, chèn ép mạch máu, thần kinh và gây đau nên chị ấy mới đi khám. Chúng tôi đã tư vấn bệnh nhân phẫu thuật để xử lý nhưng vẫn không thể lấy hết hoàn toàn silicon đã tiêm vào vì hiện tại không thể nào xác định được nó còn di chuyển đến những vị trí nào trên cơ thể. Do đó, chúng tôi đã khuyên chị ấy thường xuyên đến thăm khám để kiểm tra”, bác sĩ Huỳnh Đức Sơn kể.
Hiện nay, các khách hàng làm phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”, không có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn thực hiện nhấn mí, cắt mí, làm mũi… dẫn đến hậu quả là mũi bị lệch, vẹo hoặc lộ sống đầu mũi, hoại tử da đầu mũi hay sẹo xấu. Đối với những trường hợp này, sụn silicon sẽ được các bác sĩ Trung tâm Thẩm mỹ Gia Đình tháo ra và chờ từ 3-6 tháng phục hồi, rồi mới tái phẫu thuật. Đặc biệt, khi xử lý các bác sĩ sẽ phải can thiệp rất kỹ mô khoang mũi.
“Những ca tái phẫu thuật do biến chứng, tai biến, sự cố chuyên môn thì chúng tôi phải xử lý nhiều vấn đề: Đầu tiên là xử lý biến chứng, thứ hai là phẫu thuật lại. Khi phẫu thuật lại sẽ khó khăn hơn phẫu thuật ban đầu rất nhiều bởi mô xơ, mạch máu đã bị can thiệp, bị di lệch, hoặc bị cắt đứt. Do đó, rất cần chuyên môn sâu của bác sĩ. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật lại cũng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba thậm chí cao hơn tuỳ vào mức độ của biến chứng. Đó là chưa kể đến chi phí khi có những tai biến xảy ra rất khó để vãn hồi như nhiễm trùng trong phẫu thuật thẩm mỹ, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng toàn thân, tổn thương đa phủ tạng”, bác sĩ Huỳnh Đức Sơn giải thích.
Hầu hết những khách hàng đến làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoặc kém chật lượng đều giấu cơ sở họ làm cũng như người thực hiện và sản phẩm họ đã sử dụng khi xảy ra biến chứng, cho nên tình trạng thăm khám càng khó khăn hơn. Việc làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người nhưng trước khi quyết định cần cân nhắc lựa chọn thật kỹ để trao niềm tin, sức khỏe, sắc đẹp của mình đúng nơi, đúng địa chỉ tin cậy.
“Chúng tôi khuyến cáo, các thủ thuật và phẫu thuật liên quan đến làm đẹp trên gương mặt cần có bác sĩ chuyên ngành trực tiếp thực hiện. Người dân cần lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, chất lượng để hạn chế tai biến, di chứng khi phẫu thuật. Ở các đơn vị uy tín, bác sĩ sẽ tư vấn và làm trực tiếp hoàn thiện thao tác theo từng yêu cầu của bệnh nhân theo đúng lâm sàng. Sản phẩm làm đẹp phải được nghiên cứu và được công nhận trên thế giới”. Bác sĩ CK1 Võ Hồng Hà, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
(Còn nữa)