ĐNO - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý các cơ sở thẩm mỹ không phép, kém chất lượng. Tuy nhiên, với hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, các cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn tiếp tục tồn tại gây nhiều hậu quả khôn lường cho người dân. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân.
Cơ sở Thẩm mỹ Kangzin thực hiện căng da mặt cho khách. Ảnh: Đ.H.L |
Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm
Qua thâm nhập thực tế tại các đơn vị, phòng khám chuyên khoa phẩu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Gia Đình, Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy, những sự cố tai biến thường gặp nhất của bệnh nhân là do đã thực hiện các dịch vụ có xâm lấn như tiêm chích, các thiết bị laser ánh sáng kỹ thuật cao hay phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở không được phép, spa hay thẩm mỹ viện trá hình.
Các cơ sở hoạt động trái phép này không có bác sĩ chuyên môn, không bằng cấp, không hiểu biết về các kiến thức liên quan đến y tế; thường sử dụng sản phẩm trôi nổi rẻ tiền vì thu lợi nhuận cao; không có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và quy trình xử lý khi có sự cố, tai biến xảy ra.
Do đó, khi gặp sự cố hay tai biến, nhân viên ở đây không biết cách xử trí khiến bệnh nhân phải tìm đến các bệnh viện để điều trị.
Ví dụ điển hình nhất là trường hợp vi phạm mới đây của cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn) ở số 368 đường Hùng Vương. Khi Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, Công an quận Thanh Khê đến kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường hôm 12-8, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Kangzin đã không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý bảo đảm đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom, chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng ghi nhận cơ sở không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ, không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng (cỡ lớn) để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại và vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh.
Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T. đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng. Qua làm việc, bà T không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở. Bên cạnh đó, cơ sở thẩm mỹ này cũng không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…
Trung tá Hoàng Thị Việt Nga, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường, Công an quận Thanh Khê cho biết, hiện nay trên địa bàn quận Thanh Khê có 147 cơ sở thẩm mỹ nhưng chỉ khoảng 10 cơ sở thẩm mỹ có phòng khám.
Từ năm 2022 đến nay, sau khi yêu cầu bắt buộc phải có văn bản thông báo của Sở Y tế đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ thì các cơ sở mới bắt đầu đi làm. Khi đi kiểm tra, chúng tôi kiểm tra về môi trường và tiến hành kiểm tra luôn pháp lý về cơ sở kinh doanh đó. Đến nay, Công an quận Thanh Khê đã xử phạt hơn 30 trường hợp vi phạm về y tế và môi trường.
“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện những lỗi thường gặp của các cơ sở thẩm mỹ như: thiếu văn bản thông báo của Sở Y tế đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Nếu đơn vị nào vi phạm lỗi này sẽ bị phạt 35 triệu đồng. Hầu hết các cơ sở vi phạm đều thực hiện chăm sóc da nhưng hoạt động quá khả năng chuyên môn cho phép như không được can thiệp sâu dưới da, không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Còn nếu tiêm filler thì phải có phòng khám nhưng trên thực tế, nhiều spa vẫn thực hiện tiêm filler. Để phạt lỗi này, chúng tôi phải bắt tại trận, tuy nhiên qua đó cũng phát hiện nhiều cơ sở mua vật tư không rõ nguồn gốc xuất sứ do nhập lậu từ nước ngoài về”, Trung tá Hoàng Thị Việt Nga cho biết thêm.
Về môi trường, các trường hợp bị xử phạt hầu hết là do rác thải có dính máu về dịch sinh học, rác thải nguy hại không có cơ sở thu gom riêng, không ký hợp đồng thu gom rác thải nguy hại với đơn vị thu gom; hoặc có hợp đồng nhưng không thực hiện thu gom.
Một số cơ sở kinh doanh thực hiện chăm sóc da có chứng chỉ đào tạo học viên nhưng không được cấp bởi cơ sở đào tạo hợp pháp. Do đó, Công an quận Thanh Khê cũng kiến nghị Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Kinh tế quận Thanh Khê cần thông báo cho người kinh doanh được biết quy định phải có thông báo văn bản đủ điều kiện kinh doanh hoạt động của Sở Y tế; đồng thời phổ biến những đơn vị đào tạo nào được cấp phép về đào tạo.
Tăng cường quản lý các cơ sở thẩm mỹ
Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, Công an quận Thanh Khê kiểm tra cơ sở Thẩm mỹ Kangzin. Ảnh: Đ.H.L |
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 28 cơ sở khám bệnh chữa bệnh được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi chuyên khoa thẩm mỹ (gồm: 11 bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ; 1 phòng khám đa khoa, 16 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 34 phòng khám chuyên khoa da liễu (loại hình cơ sở này mới tham gia cung cấp dịch vụ thẩm mỹ nội khoa vào những năm gần đây) và 82 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được Sở Y tế xác nhận thủ tục tự công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ và công bố danh sách trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.
Loại hình cơ sở này do UBND quận, huyện/Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hộ kinh doanh, sau khi được cấp các cơ sở này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các quận, huyện, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng hơn 500 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ. Phạm vi hoạt động kinh doanh mà cơ sở đăng ký được phê duyệt thuộc nhiều loại hình, không gói gọn trong phạm vi dịch vụ thẩm mỹ như chăm sóc da, spa, dịch vụ gội đầu, cắt tóc, phun xăm thẩm mỹ, dưỡng sinh, bấm huyệt…
Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình này. Kể từ ngày Nghị định số 155/2018/NĐ-CP có hiệu lực (12-11-2018) đến nay, Sở Y tế chỉ tiếp nhận 145 bộ hồ sơ tự công bố, trong đó có 82 cơ sở đủ điều kiện để Sở Y tế công bố danh sách trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ, trong thời gian qua, UBND thành phố và Sở Y tế liên tục chỉ đạo, phối hợp với UBND các quận, huyện, các ngành liên quan phối hợp, tăng cường trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ. Ngoài ra, hằng năm Sở Y tế đều có các văn bản đề nghị các UBND quận, huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp với Sở Y tế trong công tác thanh kiểm tra cũng như thông tin truyền thông.
Từ năm 2022 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế thành lập đã tiến hành kiểm tra 40 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thành phố và xử lý 22 trường hợp vi phạm. Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thanh kiểm tra đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và thực hiện phân cấp địa phương quản lý đối với hình thức tổ chức này. Đồng thời, Sở Y tế thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép trên trang thông tin điện tử của sở.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan, địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục cùng Sở Y tế, UBND các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông để các cơ sở thẩm mỹ tuân thủ theo các quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị người dân cần tìm hiểm kỹ thông tin, lựa chọn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở được Sở Y tế và Bộ Y tế cấp phép; đặc biệt đối với các thủ thuật, kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn, người dân cần có sự tư vấn và được thực hiện từ bác sĩ chuyên khoa phù hợp”, bác sĩ Trần Thanh Thủy nhấn mạnh.
“Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều ca bị biến chứng sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở bên ngoài. Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người dân nên đến các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hoạt động bởi nơi đây có đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên môn bài bản và thực hiện đầy đủ tất cả các quy định phòng khám và phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện nay, Bệnh viện Đà Nẵng có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động hơn 10 năm được trang bị đầy đủ phòng ốc và các thiết bị hiện đại đầu ngành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cùng với đội ngũ y, bác sĩ giàu chuyên môn và kinh nghiệm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân khi đến làm đẹp”. Bác sĩ CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG