Phòng tránh tai nạn, thương tích ở trẻ

.

Mùa hè là thời điểm nhiều trẻ em nhập viện cấp cứu, điều trị, thậm chí tử vong do các sự cố, tai nạn gây ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố, trong đó xuất phát từ môi trường sống cũng như bất cẩn của trẻ em, sự giám sát của người lớn. Để hạn chế rủi ro, giảm thiểu các tai nạn ngoài ý muốn, cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ và đặc biệt là chủ động, chung tay từ người lớn, gia đình và xã hội.

Thời tiết mùa hè thường gây ra nhiều bệnh ở trẻ em. Ảnh: P.C
Thời tiết mùa hè thường gây ra nhiều bệnh ở trẻ em. Ảnh: P.C

Khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận bệnh nhi 6 tuổi, quốc tịch Nga, sống tại Đà Nẵng nhập viện trong tình trạng nôn ói, bụng chướng và bí trung đại tiện 2 ngày. Sau quá trình khẩn trương thăm khám, khai thác tiền sử từ gia đình và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định bé bị tắc ruột do nuốt dị vật là những viên bi nam châm xếp hình. Gia đình bệnh nhi cho hay, hoàn toàn không biết thời gian, địa điểm chính xác bé đã nuốt dị vật.

Sau khi tiếp nhận và xác định chính xác nguyên nhân, các bác sĩ khoa Ngoại Nhi đã nhanh chóng chuyển mổ cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, việc lấy ra những viên bi nam châm hết sức khó khăn. Nhiều đoạn bi đã hít chặt các quai ruột non với nhau gây tắc ruột, thiếu máu nuôi ruột, tạo ra những kênh rò thủng ruột ở nhiều vị trí. Sau nhiều giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra tổng cộng 26 viên bi nam châm và khâu nối các đoạn ruột bị thủng. Bệnh nhi được theo dõi sau phẫu thuật, phục hồi tốt và được xuất viện.

Trước đó, đơn vị này cũng tiếp nhận bệnh nhân T.V.Q. (4 tuổi, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nhập viện cấp cứu trong trạng thái ngón tay bị dập nát. Người nhà bệnh nhi kể lại, trong lúc vui chơi, Q. đã bị bạn hàng xóm dùng vật nặng sắc nhọn thả vào tay từ trên cao. Hậu quả, đốt cuối của ngón tay thứ 4 bàn tay phải Q. bị dập nát gần như đứt lìa. Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định cắt lọc phần mô dập nát, làm mỏm cụt ngón tay.

Sau 2 ngày theo dõi và điều trị, vết thương lành, tiến triển tốt, cháu Q. được xuất viện nhưng phải mang thương tật suốt đời. Bác sĩ Nguyễn Minh Hiền, Khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi Q. cho biết, tai nạn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại hậu quả là cháu Q. phải chịu thương tật một ngón tay mãi mãi. Điều này không chỉ khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cháu trong quá trình phát triển.

Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, vào mùa hè, bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca bệnh cấp cứu, điều trị liên quan đến tai nạn thương tích. Trong số những trẻ em nhập viện, có nhiều trẻ đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Điều đó cho thấy, tai nạn thương tích ở trẻ em rất phổ biến vào mùa hè, không phân biệt nông thôn hay thành thị.

Các tai nạn mà trẻ thường gặp là bỏng nước sôi, đuối nước, côn trùng cắn, hóc nuốt dị vật, gãy tay chân do leo trèo, chạy nhảy… “Những tai nạn này không mới, nhưng năm nào cũng xảy ra và trẻ em là nạn nhân. Phần lớn được cấp cứu, điều trị nhưng trong số đó vẫn có những trường hợp tử vong, hoặc cứu được nhưng để lại thương tích suốt đời”, bác sĩ Hội cho biết.

Phân tích về nguyên nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho rằng, trẻ con vốn hiếu động nên chỉ cần thích thú, bạn bè rủ rê thì tham gia các trò chơi chạy nhảy, leo trèo, tắm sông hồ, nghịch côn trùng, bắt động vật, chọc các vật nuôi hoặc dùng các vật sắc, nhọn để vui đùa với nhau…

Để hạn chế rủi ro, phòng tránh các tai nạn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chủ động giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm liên quan đến các trò chơi có thể gây tai nạn, thương tích; sự nguy hiểm khi bị các loại động vật cắn. Nếu trẻ đủ lớn để thực hành cắt, gọt bằng những vật sắc, nhọn cũng cần sự giám sát, hướng dẫn sơ cứu vết thương để không bị nhiễm trùng, hoại tử.

“Đặc biệt nguy hiểm và đang trở thành tai nạn phổ biến trong mùa hè này vẫn là tình trạng đuối nước. Có những trường hợp, dù được cứu sống nhưng cũng để lại di chứng nặng nề do não đã bị tổn thương. Vì vậy, cần cho trẻ học bơi, thực hành các kỹ năng sinh tồn cần thiết trong nước, nếu không được thì cần giáo dục, để mắt đến con em mọi lúc mọi nơi nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Hội cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.