Tiềm ẩn rủi ro từ cơ sở làm đẹp trái phép - Bài cuối: Khó khăn, bất cập trong quản lý

.

Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hiện nay chịu sự quản lý của liên ngành, trong đó ngành y tế đóng vai trò chủ lực, trực tiếp quản lý về mặt chuyên môn, thẩm định các điều kiện khi hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, các chính sách về quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, thiếu thống nhất của các đơn vị liên quan. Điều này khiến các cơ sở làm đẹp trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở làm đẹp trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: PC
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở làm đẹp trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: PC

Liên quan đến dịch vụ làm đẹp, hiện nay các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, các bệnh viện có khoa thẩm mỹ, có bác sĩ hành nghề là những cơ sở kinh doanh có điều kiện phải được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động. Khi thẩm định, căn cứ năng lực của người hành nghề, cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở, Sở Y tế sẽ ban hành danh mục kỹ thuật mà cơ sở được làm.

Tuy nhiên, số lượng cơ sở thẩm mỹ này trên địa bàn thành phố không nhiều mà phổ biến nhất là các cơ sở spa, làm đẹp do UBND các quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh. Cụ thể, những cơ sở này chỉ được làm những dịch vụ thông thường về chăm sóc da, xông hơi hương liệu, không được thực hành các kỹ thuật xâm lấn, can thiệp cơ thể.

Nếu cơ sở nào làm quá chức năng trên, sử dụng thuốc, hóa chất, thiết bị như: máy laser, máy đốt điện, tia vật lý, sóng… can thiệp làm thay đổi màu sắc của da, thay đổi hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể như: nhấn mí, bơm môi, tạo má lúm, tiêm chất làm đầy (filler), chỉnh sửa các bộ phận của cơ thể… đều trái với quy định pháp luật.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, các sai phạm liên quan đến hoạt động thẩm mỹ, làm đẹp thời gian qua được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý phần lớn đều rơi vào nhóm này. Việc quản lý hoạt động của các cơ sở làm đẹp do địa phương cấp giấy phép kinh doanh hiện nay vẫn còn là “khoảng trống”.

“Hiện nay sở không nắm hết được các cơ sở kinh doanh này vì trên thực tế có địa phương gửi danh sách lên, có địa phương không gửi. Sở chỉ biết khi địa phương gửi lên hoặc các cá nhân đó chủ động gửi danh sách lên đề nghị sở công bố đủ điều kiện. Khi đó, chúng tôi sẽ tiến hành hậu kiểm, hướng dẫn các thủ tục nghiệp vụ đồng thời cấp giấy hoạt động với những danh mục đủ điều kiện. Trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở đã thực hiện các kỹ thuật không được cấp phép”, bác sĩ Thanh cho biết.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, những người hành nghề dịch vụ spa, thẩm mỹ thường là những người không có chuyên môn sâu, không được đào tạo bài bản mà chủ yếu tham gia các khóa học ngắn hạn. Vì thế, các kỹ thuật, khái niệm xâm lấn, phẫu thuật không được hiểu đúng bản chất, đồng thời không nắm rõ cơ sở mình được phép làm gì và không được phép làm gì. Trong khi đó, theo ông Lê Văn Them, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế quận Thanh Khê, hiện nay số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, làm dẹp, chăm sóc da… được thành lập mới ngày càng nhiều do thủ tục, điều kiện khá đơn giản. Mặc dù thời gian qua có sự phối hợp với các đơn vị liên quan, nhưng vẫn chưa quản lý hết các cơ sở kinh doanh này.

“Theo phân cấp, hiện nay Sở Y tế là đơn vị có trách nhiệm quản lý chính về mặt chuyên môn, các quận, huyện chỉ có vai trò phối hợp quản lý, giám sát do cơ sở hoạt động trên địa bàn. Điều này cũng là một bất lợi cho chúng tôi đối với công tác quản lý. Nên để hiệu quả, đề nghị Sở Y tế có kế hoạch phân cấp quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ”, ông Them cho biết.

Cùng quan điểm đó, bà Phạm Thị Thùy Phương, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu cho biết, mặc dù địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác giám sát nhưng vẫn bị động, không hiệu quả do việc phân cấp quản lý. Ở góc độ địa phương, từ năm 2022, Phòng Y tế quận Hải Châu tổ chức tập huấn, quán triệt các quy định về pháp luật cho các cơ sở làm đẹp, chăm sóc da không can thiệp xâm lấn.

Đơn vị tổ chức rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh để gửi Sở Y tế thẩm tra. “Cần phân cấp, quyền rõ ràng cho địa phương trong việc quản lý loại hình hoạt động này, hiện nay chúng tôi chỉ có trách nhiệm phối hợp nên các hoạt động kiểm tra, giám sát không thực sự hiệu quả. Đó là lý do vì sao số cơ sở làm đẹp vi phạm các quy định pháp luật được phát hiện ngày càng nhiều”, bà Phương cho biết.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và cá nhân, tổ chức, sở liên tục cập nhật danh sách các cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cơ sở này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hoạt động, danh mục hoạt động được Sở Y tế thẩm định, cấp phép. Nếu cơ sở nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

“Dịch vụ thẩm mỹ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải được Sở Y tế công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế mới đủ điều kiện hoạt động. Do vậy, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc cung cấp, hướng dẫn các quy định, điều kiện hành nghề của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cho công dân, tổ chức biết và thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn”, bác sĩ Trình nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.