Tay chân miệng là một trong những bệnh có thể gia tăng nhanh do tốc độ lây lan trong môi trường thuận lợi. Tại Đà Nẵng, mặc dù số ca mắc hằng tuần được ghi nhận có giảm nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, gia đình chủ động, tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh này, đặc biệt là trước thềm năm học mới.
Ngành y tế khuyến cáo các cơ quan, đơn vị và người dân cần chủ động phòng, tránh tay chân miệng cho trẻ vào thời điểm trước thềm năm học mới. TRONG ẢNH: Khám, điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, ngành y tế thành phố ghi nhận hơn 974 ca mắc tay chân miệng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, qua công tác giám sát, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận cao nhất trong 5 năm qua và đến cuối tháng 8 thì tình hình dịch bệnh đã “hạ nhiệt”.
Cụ thể, trong tuần từ 21 đến 27-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 51 ca mắc mới, tập trung ở các địa phương như: Liên Chiểu (10 ca), Hải Châu (9 ca), Thanh Khê (8 ca), Ngũ Hành Sơn (8 ca)... Là đơn vị tiếp nhận, thu dung điều trị, thời gian qua, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ngủ giật mình và cổ họng bị lở loét, khóc...
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3-5 và từ tháng 8-11 hằng năm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như viêm não, viêm màng não; viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch...
Nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng diễn biến rất nhanh, cấp độ nặng dần nếu không được phát hiện, chăm sóc, điều trị kịp thời. “Do đó, khi trẻ có các triệu chứng như: sốt cao, quấy khóc hơn so với bình thường, chảy nước bọt nhiều, nổi mụn ban, giật mình, đi đứng không vững... thì người nhà nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám, can thiệp kịp thời”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, mặc dù số ca mắc tay chân miệng đã giảm nhưng ngành y tế khuyến cáo các đơn vị, địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan. Đặc biệt, năm học mới, trẻ em trở lại trường học kết hợp thời tiết chuyển mùa là những tác nhân khiến TCM dễ gia tăng và bùng phát. “Đây là bệnh phát triển theo mùa và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Vì thế, rất cần sự chủ động của các đơn vị, địa phương và bản thân phụ huynh, người dân trong việc tuyên truyền, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cần tăng cường vệ sinh nhà cửa, trường học, những khu vực trẻ hay tiếp xúc hằng ngày. Chăm sóc, vệ sinh chân tay, thực hiện ăn sạch, uống sạch, bổ sung dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ”, bác sĩ Hóa cho biết.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Đặc biệt, bệnh nhân mắc chủng EV71 rất dễ trở nặng, xuất hiện các biến chứng và có thể tử vong.
Để chủ động phòng, chống tay chân miệng, nhất là trong bối cảnh trước thềm năm học mới, Cục Y tế dự phòng vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố, ngành y tế các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, gồm 6 nhóm giải pháp, gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt, thu gom xử lý chất thải của trẻ, theo dõi phát hiện sớm và cách ly điều trị kịp thời.
Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng...
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Ngoài ra, các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác...
PHAN CHUNG