Còn nhiều khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố được thực hiện một cách xuyên suốt, kịp thời, theo sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá, lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, cần sự chung tay quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị và sự chủ động của người dân.

Theo Ban Quản lý ATTP thành phố, để chủ động kiểm soát chất lượng thực phẩm, bảo đảm an toàn bữa ăn sạch cho người dân, công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành của thành phố đã lấy 351 mẫu thực phẩm để kiểm tra chỉ tiêu chất cấm, dư lượng kháng sinh, chỉ tiêu kim loại nặng, qua đó phát hiện 24 mẫu không đạt và 18 mẫu đang chờ kết quả.

Từ kết quả này, Ban Quản lý ATTP thành phố gửi thông báo đến Ban Quản lý các chợ để biết và tạm dừng việc buôn bán sản phẩm không đạt, đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) đối với thực phẩm không đạt thông qua việc tổ chức kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất ở địa phương có sản phẩm không đạt để tìm nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, liên quan đến công tác phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện cũng đã phối hợp lấy các mẫu sản phẩm rau củ quả sản xuất trên địa bàn thành phố; sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ; thủy sản để xét nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, kim loại nặng.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố, phần lớn các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, trái cây phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố được nhập về từ địa phương khác. Trên cơ sở đó, từ năm 2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND về việc kê khai, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rau, trái cây, thủy sản ngoại tỉnh nhập vào chợ.

“Căn cứ quyết định này, Ban đã phối hợp các đơn vị tổ chức lấy mẫu, TXNG thực phẩm. Nếu mẫu nào phát hiện không đạt, chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đó làm việc với cơ sở sản xuất, cung cấp. Đối với địa phương, đơn vị cũng đã xây dựng và triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc theo chiều rộng và chiều sâu đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, giúp cập nhật vị trí trên bản đồ ATTP của thành phố để người tiêu dùng, khách du lịch được biết và lựa chọn”, ông Hải cho biết.

Được biết, tại chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường, tính từ đầu năm 2023 đến 22-8, tổng sản lượng rau, trái cây nhập về chợ thực hiện kê khai thông tin về nguồn gốc, xuất xứ là 69.480 tấn. Trong đó, rau các loại là 32.400 tấn chủ yếu từ các tỉnh như: Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh… Riêng trái cây các loại nhập về khoảng 37.080 tấn chủ yếu từ các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Ninh Thuận… Còn tại chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, tính đến 15-8, đã có 9.229 lượt tàu và 3.915 lượt ô-tô thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ hải sản qua cảng cá với tổng sản lượng khoảng 43.313 tấn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, ATTP là lĩnh vực tiềm ẩn và đối mặt nhiều nguy cơ, vì vậy dưới góc độ quản lý Nhà nước hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, lượng hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng về thành phố bằng nhiều con đường, do đó việc kiểm soát hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn gặp khó khăn.

Đồng thời tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất hạn chế chưa bảo đảm ATTP nên việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng chất cấm còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm ATTP ở các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối còn chưa đáp ứng theo quy định, lại hoạt động chủ yếu vào ban đêm… nên việc triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP không được thuận lợi. Việc xây dựng chợ bảo đảm ATTP một số nơi còn hạn chế do điều kiện về cơ sở vật chất xuống cấp, khó khăn trong bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý ATTP.

Bên cạnh đó, công tác quản lý ATTP ở cấp quận, huyện và xã, phường còn khó khăn, hạn chế do phần lớn công chức chuyên trách là kiêm nhiệm, đồng thời số lượng cơ sở phân cấp quản lý nhiều. “Chưa kể các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh, chức vụ thuộc Ban Quản lý ATTP, do đó dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn, hạn chế.

Trong bối cảnh đó, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả về bảo đảm ATTP chính là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đồng thời huy động toàn xã hội tham gia phản ánh các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Mỗi người dân là một người tiêu dùng thông minh, chủ động, tích cực trong kiểm soát chất lượng thực phẩm, không tham gia tiêu dùng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh không an toàn, đồng thời báo ngay cơ quan chức năng nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm khi hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.