Tăng cường phòng, chống bệnh về hô hấp

.

Số bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Trước tình hình thời tiết có sự chuyển dịch rõ rệt, kết hợp sự gia tăng bệnh hô hấp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Y tế đã yêu cầu người dân, ngành y tế các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh.

Người dân làm thủ tục chờ khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân làm thủ tục chờ khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp thời gian qua. Bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng cho biết, người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính và trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản. Các bệnh này xuất hiện thường xuyên khi thời tiết thay đổi, trở lạnh. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng, nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. “Nên thực hiện nghiêm các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ ấm cơ thể.

Tăng cường vệ sinh họng, miệng, không hút thuốc lá. Dùng khăn len che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi mạn tính. Khi có triệu chứng cần đến các cơ sở khám, điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng, lạm dụng thuốc, kháng sinh”, bác sĩ Quang cho biết.

Theo báo cáo nhanh, số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thời gian qua gia tăng, cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Bệnh viện đã tổ chức phân luồng, tăng giường bệnh, huy động thêm một số khoa, phòng và khu nhà khác để tiếp nhận, bố trí điều trị cho bệnh nhân.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, hơn 70% trẻ em đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp với những triệu chứng phổ biến như ho, sốt, chảy mũi, đau họng… Theo bác sĩ Trương Thị Thu Huyền, Trưởng khoa Nhi hô hấp, trẻ em là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, khi thời tiết chuyển lạnh kết hợp mưa sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi. Khoa Nhi hô hấp thời gian qua liên tục tiếp nhận, điều trị các trẻ mắc bệnh này vượt quá số giường kế hoạch của khoa, bệnh viện phải kê thêm giường để điều trị.

“Cần vệ sinh cơ thể các con, nhất là tay, mũi họng sạch sẽ; giữ ấm, bổ sung dinh dưỡng và tiêm vắc-xin đầy đủ. Bên cạnh đó, môi trường lớp học cũng rất dễ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh do lây nhiễm chéo, vì vậy phụ huynh cần chủ động, chung tay với nhà trường trong việc phòng các bệnh hô hấp vào thời điểm này”, bác sĩ Huyền cho biết.

Liên quan đến các bệnh về hô hấp, theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh đường hô hấp, cúm A (H5/N1), Covid-19 tại một số nước như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia... có xu hướng tăng. Các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam đang vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường dễ làm xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là; cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng, ăn chín, uống chín. Các cơ sở chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để kịp thời triển khai hiệu quả công tác thu dung, điều trị, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại các đơn vị khám, chữa bệnh, sở đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp đón, sàng lọc, phân loại, phân luồng, cách ly, xử lý y tế (nếu cần thiết) đối với trường hợp bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị theo quy định của Bộ Y tế. “Bên cạnh đó, cần khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc hiệu quả bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất biến chứng nặng và tử vong.

Duy trì hiệu quả công tác hội chẩn liên viện, chuyển tuyến đúng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và chuyên khoa, không để xảy ra trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng hoặc tử vong do chuyển tuyến chưa đúng hoặc không kịp thời; không để xảy ra quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, có phương án bảo đảm đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.