Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 220 ca mắc tay chân miệng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp tuyên truyền, xử lý các ổ dịch và dọn vệ sinh môi trường.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Tiên Sa (quận Hải Châu) tích cực vệ sinh, lau dọn bàn ghế, đồ chơi của học sinh để phòng bệnh. Ảnh: KHÁNH NGÂN |
Diễn biến dịch bệnh phức tạp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính đến ngày 31-3, thành phố ghi nhận 217 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó tập trung nhiều ở một số địa phương như: quận Ngũ Hành Sơn (51 ca), quận Cẩm Lệ (40 ca), quận Sơn Trà (32 ca), huyện Hòa Vang (38 ca). Đáng chú ý, trong 3 tháng vừa qua, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Là đơn vị tiếp nhận, thu dung điều trị, thời gian qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ngủ giật mình, cổ họng bị lở loét… Từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 16 trường hợp mắc tay chân miệng. Ngày 31-3, chị Trần Thị Mỹ Ngân (SN 1995, huyện Hòa Vang) phát hiện mụn nước nằm bên trong miệng con. Ngay lập tức, chị đưa con đến bệnh viện để điều trị. Ngày hôm sau, bé nóng, sốt và mụn nước lan ra khắp người. Được các bác sĩ tận tình điều trị, đến nay, bé khỏi sốt, mụn lặn. Đồng thời, chị được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con tốt nhất để tránh tái phát gây biến chứng nguy hiểm.
Tương tự, đưa con đến bệnh viện trong tình trạng nóng, sốt, tay, chân xuất hiện nốt ban đỏ, chị N.T.T.H (SN 1996, huyện Hòa Vang) cho biết: “Lúc đầu, tôi nghĩ con chỉ bị sốt nên để con ở nhà tự chữa trị. Sáng hôm sau, các nốt ban màu đỏ mọc đầy trên tay và chân con. Ngay lúc đó, tôi đưa con đến bệnh viện để theo dõi, điều trị. Đến nay, sức khỏe con dần ổn định hơn và không còn các nốt ban trên người”.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, các biểu hiện thường gặp khi trẻ đến khám tại bệnh viện gồm: sốt; chảy nước dãi nhiều; biếng ăn; nổi hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối... Bệnh dễ lây từ trẻ này qua trẻ khác khi chơi chung, ăn chung hay tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm mầm bệnh và có thể lây lan thành dịch.
Bệnh diễn biến nhanh, có thể chuyển nặng trong vài giờ và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch… thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. “Khi trẻ có các triệu chứng như: sốt cao, quấy khóc hơn so với bình thường, chảy nước bọt nhiều, nổi mụn ban… người nhà nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám, can thiệp kịp thời”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Tăng cường biện pháp phòng ngừa
Những ngày gần đây, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Bà Đặng Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Sa cho biết, thời gian qua, các giáo viên pha dung dịch khử khuẩn, lau sàn, bàn ghế, rửa đồ dùng, cốc uống nước của trẻ thường xuyên; theo dõi sức khỏe hằng ngày của học sinh; nếu phát hiện các trường hợp sốt và có dấu hiệu liên quan đến dịch tay chân miệng, phải báo cáo ngay cho nhân viên y tế và nhà trường để kịp thời xử lý.
Đến thời điểm này, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) chưa có trường hợp học sinh nào bị tay chân miệng. Tuy nhiên, bà Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tăng cường tổ chức tổng dọn vệ sinh trường học để phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, trước diễn biến phức tạp bệnh tay chân miệng, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực và phương tiện phòng, chống dịch, thuốc, hóa chất xử lý dịch, điều động kịp thời, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin. Bên cạnh đó, thành lập Tổ tư vấn bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Liên Chiểu khi bệnh có chiều hướng gia tăng và bùng phát thành dịch nhằm hỗ trợ cho người dân về cách nhận biết các dấu hiệu, biến chứng có thể xảy ra; cách chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà và biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các đơn vị, địa phương và người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Đặc biệt, thời tiết chuyển mùa là tác nhân khiến bệnh tay chân miệng dễ gia tăng và bùng phát. “Các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, tăng cường vệ sinh nhà cửa, trường học, những khu vực trẻ hay tiếp xúc hằng ngày; thu gom, xử lý phân và chất thải; chăm sóc, vệ sinh chân tay, thực hiện ăn sạch, uống sạch và bổ sung dinh dưỡng, tăng đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh”, bác sĩ Hóa nói.
KHÁNH NGÂN - KIM KHÁNH