Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

.

Chăm sóc giảm nhẹ là chuyên ngành quan trọng trong điều trị ung thư, đi cùng với các hoạt động chuyên môn đặc hiệu. Kỹ thuật này được vận dụng đan xen, xuyên suốt với bệnh nhân từ lúc chẩn đoán, điều trị và phục hồi. Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, các nhân viên y tế giúp giảm nhẹ những cơn đau thể chất, tâm lý mà người bệnh đang gặp phải, để đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Chăm sóc giảm nhẹ giúp bệnh nhân ung thư ổn định tâm lý, vượt qua cơn đau thể chất, tinh thần để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. TRONG ẢNH: Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang được điều trị tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng.Ảnh: PHAN CHUNG
Chăm sóc giảm nhẹ giúp bệnh nhân ung thư ổn định tâm lý, vượt qua cơn đau thể chất, tinh thần để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. TRONG ẢNH: Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang được điều trị tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Hơn 2 năm trước, bệnh nhân T.V.H. (58 tuổi, quận Cẩm Lệ) được chẩn đoán bị ung thư phổi sau một thời gian dài đau xương và ho không rõ nguyên nhân. Bản thân ông H. và người thân vẫn nghĩ đó là những cơn đau xương khớp của tuổi già và di chứng hậu Covid-19 liên quan hô hấp. Tuy nhiên, khi đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, các bác sĩ kết luận ông H. bị ung thư phổi, đã di căn.

“Khi nghe thông tin thì cả nhà đều sốc, lo lắng vì nghĩ rằng đã quá muộn và không còn sống được bao lâu. Nhưng đến nay đã hơn 2 năm, sức khỏe chồng tôi đã cải thiện được rất nhiều. Điều đặc biệt, trong quá trình điều trị tại đây, các nhân viên y tế hết sức nhiệt tình, quan tâm và giải đáp mọi thắc mắc, lo lắng của người nhà”, vợ ông H. chia sẻ.

Tương tự, bệnh nhân P.V.G. (61 tuổi, tỉnh Quảng Trị) sau khi được bác sĩ chẩn đoán, kết luận bị ung thư dạ dày thì bị sốc. Bởi ông G. vốn bị huyết áp nên từ lâu ông không lạm dụng nhiều các chất kích thích trong sinh hoạt.

“Khi nghe kết quả, chúng tôi nghi ngờ, không tin, vợ thì khóc lên khóc xuống. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ giải thích thì cả gia đình chấp nhận sự thật, ổn định tâm lý để tập trung điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đến nay đã qua tháng thứ 5 điều trị theo phác đồ điều trị của bệnh viện và sự hướng dẫn, chăm sóc tận tình của nhân viên y tế. Tôi cũng mong những ai rơi vào hoàn cảnh như mình thì đừng tuyệt vọng, buông xuôi mà hãy hy vọng, hợp tác điều trị. Các nhân viên y tế nơi đây là điểm tựa hết sức vững chắc, không chỉ trong chuyên môn mà còn tinh thần”, bệnh nhân G. tâm tình.

Công tác nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ Phan Đình Linh, Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, cho biết tâm lý chung của nhiều người bệnh cũng như người thân khi nghe tin mắc ung thư là hoang mang, chán nản, buông xuôi, trầm cảm...

Vì vậy, việc đầu tiên của nhân viên y tế là làm công tác tâm lý để bệnh nhân và người thân dần chấp nhận thực tế. “Nhiều bệnh nhân, nhất là người trẻ tuổi rất khó tiếp cận, giải thích và lắng nghe nhân viên y tế. Vì đây là cú sốc quá lớn. Nhiệm vụ của các nhân viên y tế trong công tác chăm sóc giảm nhẹ là tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, làm chỗ dựa tinh thần để bệnh nhân xóa bỏ hoàn toàn cảm giác tuyệt vọng, buông xuôi, rằng ung thư chỉ là một cú sốc chứ không phải là dấu chấm hết. Mọi người phải nỗ lực, cố gắng để vượt qua”, bác sĩ Linh cho biết.

Chăm sóc giảm nhẹ là quá trình xuyên suốt, được thực hiện ở nhiều chuyên khoa. Tại đây, các bệnh nhân được cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh, hướng điều trị, kế hoạch theo dõi sau điều trị... Một số bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ thì được nhân viên y tế chủ động tư vấn từ sớm, giúp bệnh nhân tự tin với ngoại hình, tiếp tục yên tâm với quá trình điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, thái độ tiếp xúc cũng như nắm bắt tâm lý bệnh nhân là điều hết sức cần thiết. Nhân viên y tế phải thực sự hiểu bệnh nhân, lo lắng cùng bệnh nhân để tìm được sự đồng cảm. Từ sự đồng cảm đó, các nhân viên y tế là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, hỗ trợ bệnh nhân mọi lúc mọi nơi. “Nhiều câu chuyện về người thật, về điều trị ung thư cũng được chúng tôi chia sẻ trong các lần tiếp xúc với bệnh nhân, như là những minh chứng về việc vượt quá cú sốc lớn trong đời, mà ở đó, nỗ lực, ý chí và tinh thần của bệnh nhân là hết sức quan trọng”, bác sĩ Anh kể.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư là liệu pháp bổ sung quan trọng và cần thiết trong bất cứ giai đoạn nào của ung thư. Ngay từ khi chẩn đoán bệnh, đơn vị đã áp dụng chăm sóc giảm nhẹ để giúp bệnh nhân tiếp cận, lên kế hoạch càng sớm càng tốt trong quá trình chữa trị, xuyên suốt tất cả các giai đoạn bệnh.

Trong suốt quá trình trị điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch... chăm sóc giảm nhẹ giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng và tác dụng phụ, thúc đẩy sự tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị. Cũng theo bác sĩ Hùng, chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư có thể tiến hành tại bệnh viện, tại nhà và tại cộng đồng. Khi cùng kết hợp các biện pháp điều trị ung thư với chăm sóc giảm nhẹ giúp làm tăng chất lượng cuộc sống cho cả người bệnh và người thân, người chăm sóc. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhân văn và hiệu quả hơn trong công tác điều trị.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.