Theo thông tin cảnh báo từ Bộ Y tế, nhiều địa phương bắt đầu ghi nhận mắc các bệnh, ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu… Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như thủy đậu, tay chân miệng, bệnh dại cũng gia tăng so với trước. Tại Đà Nẵng, nhiều địa phương đã ghi nhận bệnh nhân mắc thủy đậu, sốt xuất huyết, thậm chí ho gà, sởi. Ngành y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.
Bác sĩ thăm khám, điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua, các địa phương ghi nhận 19 ca mắc tay chân miệng, trong đó chủ yếu mắc ở nhà. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay toàn thành phố ghi nhận 360 ca mắc tay chân miệng, tăng 84,6% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, đã ghi nhận bệnh nhân mắc ho gà, sởi, 19 ca mắc thủy đậu. Ngoài ra, 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết cũng đã được người nhà đưa đến chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, mặc dù các bệnh truyền nhiễm chưa bùng phát, lây lan thành dịch nhưng nếu làm không tốt công tác dự phòng thì tình hình sẽ rất nguy hiểm. Để kịp thời phát hiện, kiểm soát dịch bệnh, CDC Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, địa phương cử cán bộ giám sát hỗ trợ xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ tay chân miệng, sốt xuất huyết kết hợp giám sát chương trình tiêm chủng mở rộng tại 7/7 quận, huyện. Đặc biệt, sau khi ghi nhận những ca mắc ho gà đầu tiên trên địa bàn, CDC Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Trạm Y tế phường Mân Thái và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiến hành điều tra, giám sát và xử lý trường hợp bệnh nhân này, có biện pháp kịp thời để không hình thành ổ dịch mới. “Công tác giám sát, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, là cơ sở để đơn vị tham mưu kịp thời những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, dại, ho gà được triển khai xuyên suốt tại các địa phương, cơ quan, đơn vị”, bác sĩ Hóa cho biết.
Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ngành y tế đề nghị các địa phương tăng cường, phối hợp trong việc tuyên truyền, huy động sức mạnh quần chúng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. “Đây là hoạt động xuyên suốt cần sự vào cuộc từ các cấp cơ sở. Tại tuyến phường, xã và các trạm y tế thông tin đầy đủ tình hình bệnh cho người dân để người dân không hoang mang, lo lắng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch. Đối với trung tâm y tế quận, huyện, cán bộ, nhân viên y tế tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết cao, báo cáo hằng tuần theo quy định, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền về diệt lăng quăng, bọ gậy trong toàn dân. Thực hiện quy trình giám sát, xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ đúng theo quy định”, bác sĩ Trình lưu ý.
Trước diễn biến dịch các bệnh truyền nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng, Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương theo phương châm 4 tại chỗ bảo đảm đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã ký ban hành công văn gửi các đơn vị, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Hoạt động phòng, chống dịch và các bệnh truyền nhiễm được giám sát chặt chẽ, chủ động ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. UBND thành phố giao các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến; bảo đảm hoạt động của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Với vai trò là đơn vị chủ lực, ngành y tế cần chủ động các biện pháp thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh. Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc-xin phòng. Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch.
PHAN CHUNG