Cảnh báo nguy cơ rối loạn tâm thần

.

Rối loạn tâm thần không chỉ là tâm thần phân liệt mà còn xuất phát từ trầm cảm, lo âu khi gặp nhiều khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống; lối sống, tư duy lệch lạc, không lành mạnh... Điều đáng lo ngại, tình trạng rối loạn tâm thần trong giới trẻ đang có dấu hiệu gia tăng khi sử dụng điện thoại, internet không kiểm soát, thiếu môi trường giao lưu, vận động. Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu bia, ma túy tổng hợp trong độ tuổi thanh niên đã khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy không có lối thoát, gây nguy hiểm cho xã hội, gia đình đảo lộn, ly tán.

Tăng cường các hoạt động vui chơi, ngoại khóa để trẻ tránh xa điện thoại, internet.   Ảnh: PHAN CHUNG
Tăng cường các hoạt động vui chơi, ngoại khóa để trẻ tránh xa điện thoại, internet. Ảnh: PHAN CHUNG

Bài 1: Căng thẳng, học lực giảm sút vì nghiện điện thoại

Nhiều năm trở lại đây, điện thoại thông minh đã trở thành vật không thể rời đối với người dân. Không chỉ là phương tiện liên lạc, điện thoại thông minh có kết nối internet trở thành kho tri thức, giải trí không có giới hạn, đáp ứng nhu cầu học tập, trải nghiệm, tò mò khám phá của mọi lứa tuổi. Tuy nhiên hệ lụy cũng bắt đầu từ đây, đặc biệt là giới trẻ.

Chị N.D.Q. (40 tuổi, quận Thanh Khê) có con trai học lớp 7 một trường THCS trên địa bàn quận. Giữa tháng 4, chị phải đưa con đến  Bệnh viện Tâm thần khám, điều trị. Nguyên nhân, là con trai chị bị mất ngủ liên tục, không tập trung học bài và thường xuyên đau đầu. Cũng theo chia sẻ của chị Q., cháu có thói quen dùng điện thoại khá nhiều, thời gian gần đây dù có giảm nhưng vẫn không cải thiện. “Bố mẹ đều bận đi làm không chủ động đưa đón cháu đi học được, nên mục đích ban đầu là sắm điện thoại để tiện cho việc nhờ xe thồ gần nhà đưa đón việc học. Nhưng riết rồi thấy suốt ngày cháu cứ xem điện thoại, lướt facebook, chat với nhóm bạn”, chị Q. cho biết. Tại Bệnh viện Tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán R. bị rối loạn giấc ngủ do sử dụng internet quá nhiều. Việc cải thiện tình hình không quá khó khăn, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, đặc biệt cắt giảm thói quen sử dụng điện thoại.

Trường hợp con trai chị Q. chưa phải là điển hình của rối loạn tâm thần do lạm dụng internet. Ngồi chờ đến lượt cho con khám ngoại trú, chị T.H.A. (47 tuổi, quận Hải Châu) chỉ tay về cô con gái của mình đang cúi mặt lướt điện thoại gần đó và nói: “Hai năm nay cháu sống hoàn toàn khép kín với gia đình, bạn bè, ít giao tiếp. Cứ ôm điện thoại, thỉnh thoảng cười phá lên. Hai vợ chồng nhìn thấy, khuyên nhủ nhiều lần nhưng cháu vẫn không bỏ được. Đến khi áp dụng biện pháp mạnh cắt luôn điện thoại, internet thì cháu trở nên cáu gắt, la hét, đập phá đồ đạc, thậm chí chống đối lại bố mẹ. Giờ gia đình không ráng được nữa, phải đưa lên bệnh viện nhờ các bác sĩ khám, tư vấn và hỗ trợ”, chị A. cho biết.

Chỉ tập trung vào điện thoại, ít tiếp xúc với mọi người là hình ảnh thường thấy ở nhiều bạn trẻ hiện nay. Nhiều bậc phụ huynh ít quan tâm, thậm chí xem đó là chuyện bình thường, chỉ khi thấy con mình có những biểu hiện khác thường mới lo sợ. Theo Thạc sĩ tâm lý Đàm Thị Kim Nga, Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngày càng nhiều người trẻ đến bệnh viện khám, điều trị các triệu chứng rối loạn tâm thần mà theo lời kể của người thân đều xuất phát từ việc sử dụng internet quá mức. “Việc sử dụng điện thoại, internet phục vụ việc học tập là cần thiết. Bởi vì internet là kho tàng tri thức. Nhưng hệ lụy xuất phát từ việc lạm dụng internet và sử dụng sai mục đích”, chị Nga cho biết.

Một cuộc khảo sát hơn 800 học sinh tại 7 trường THPT trên địa bàn thành phố để thực hiện đề tài khoa học cấp sở cho thấy, gần 94% học sinh truy cập internet hằng ngày, trong đó 85,5% phục vụ việc học tập; 86,1% nghe nhạc, tìm kiếm thông tin chiếm 82,4%, chơi game chiếm 70%, xem phim 77%, nói chuyện, chat với người khác chiếm 83%... “Thực trạng khảo sát còn cho thấy, có 24,6% học sinh được đánh giá là nghiện internet. Việc sử dụng internet ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, cụ thể là trầm cảm, lo âu, giảm kỹ năng giao tiếp, phát triển của các em. Chưa kể, nhiều hệ lụy về nhận thức, hành động lệch lạc, bắt chước lối sống không lành mạnh khác nữa”, chị Nga khuyến cáo.

Theo bác sĩ Tống Thị Luyến, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, internet mà môi trường mở và không thể phủ nhận sự phát triển và tiện ích đối với con người. Đối với trẻ em, nhất là các em độ tuổi học sinh, đang trưởng thành, hình thành nhân cách, nhận thức, tác động của internet càng hết sức quan trọng. Thực trạng hiện nay nhiều em thức khuya, nghiện game, thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều, hình thành các hội nhóm, truy cập vào các trang mạng không lành mạnh có nội dung khiêu dâm, bạo lực… “Nhiều em thay đổi hoàn toàn tính cách, trở nên thu mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh nhưng lại hào hứng, sôi nổi với thế giới mạng. Chưa kể những hệ lụy như ăn uống không đúng giờ, mất ngủ, học hành sa sút, hành vi thay đổi”, bác sĩ Luyến cho biết.

Để giải quyết tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ, cần có sự đồng hành của gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó gia đình là yếu tố then chốt giúp con em mình thay đổi thói quen, hành vi và định hình được lối sống lành mạnh. “Bố mẹ cần chủ động giám sát thời lượng, mục đích con em sử dụng điện thoại, internet. Duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, đặc biệt là ngủ sớm, đúng giờ. Hiện nay, có rất nhiều chương trình, hoạt động ngoại khoá, các hoạt động vận động như thể thao, nhảy, thiện nguyện để rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Cần cho con em tham gia để giảm bớt thời gian một mình và sử dụng điện thoại như một thói quen. Đặc biệt, khi có dấu hiệu rối loạn tâm thần, cần đưa các con đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá mức độ và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả”, bác sĩ Luyến cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.