Cảnh báo nguy cơ rối loạn tâm thần - Bài 2: Lạm dụng, nghiện chất kích thích

.

Những năm gần đây, Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn trong tình trạng kín chỗ, hết giường kế hoạch vì số bệnh nhân quá đông. Tình trạng sử dụng chất kích thích gây rối loạn hành vi gây nhiều hệ lụy khó lường.

Khám, tư vấn cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Khám, tư vấn cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bước sang ngày điều trị thứ 17, bệnh nhân H.T.S. (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) năn nỉ các bác sĩ để được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được bệnh viện chấp thuận, do còn phải theo dõi diễn biến bệnh tình thêm một thời gian. Khi hỏi về nguyên nhân được đưa vào đây, anh S. phân trần rằng, bản thân hoàn toàn tỉnh táo, không tham gia hội nhóm, không chủ động sử dụng chất kích thích.

Được biết, anh S. là gương mặt quen thuộc với nhân viên y tế tại Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc khi liên tục nhập viện điều trị 3-4 lần/năm. Mới đây, anh được lực lượng công an địa phương đưa lên điều trị cai nghiện do sử dụng chất kích thích và có những hành vi quấy rối, gây nguy hiểm cho gia đình và những người chung quanh. “Nhà bệnh nhân nghèo, gia đình giờ quá chán nản và bất lực nên họ cũng không quan tâm đến việc bệnh nhân bị đưa đi điều trị hay trở về nữa. Thậm chí mọi người còn né tránh anh vì việc này lặp đi lặp lại quá nhiều lần”, một nhân viên y tế tại Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, chia sẻ. Sau thời gian áp dụng các biện pháp điều trị, sức khỏe anh S. đã ổn định, các hành vi cũng trở lại trạng thái bình thường. Bệnh nhân không quậy phá mà ngoan ngoãn chấp hành các y lệnh và nội quy của nhân viên y tế đưa ra.

Đang chờ làm thủ tục thăm và gửi ít vật dụng cá nhân cho con, bà K.T.D. (65 tuổi, quận Liên Chiểu) cho biết, con trai bà năm nay 37 tuổi, lao động phổ thông, đây là lần thứ 3 được đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị chứng rối loạn hành vi. “Bình thường nó ít nói, không gây gổ ai, chỉ đi làm thợ hồ rồi về. Thỉnh thoảng có uống mấy lon bia với bạn bè. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây thấy nó thay đổi hoàn toàn, trở nên hung dữ, đến tôi nó cũng không nhận ra nữa”, bà D. thở dài.

Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc hiện nay được bố trí 50 giường kế hoạch và luôn trong tình trạng quá tải phải kê thêm giường. Điều đáng nói, 80% bệnh nhân đến đây điều trị đều liên quan đến việc sử dụng chất kích thích làm rối loạn không kiểm soát được hành vi dẫn đến việc gây hấn, gây nguy hiểm cho người thân và những người xung quanh. Tâm lý chung của các bệnh nhân là hoang tưởng mình là bị hại nên luôn có cảm giác sợ sệt, tránh né hoặc phản kháng khi quá sợ hãi. Bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc cho biết, nhiều bệnh nhân khi nhập viện điều trị không kiểm soát được hành vi, thậm chí gây nguy hiểm cho nhân viên y tế. Chính vì vậy, đội ngũ điều dưỡng nam tại khoa có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình ban đầu để có biện pháp tiếp cận an toàn. Theo đó, bệnh nhân cần được kìm hãm cơn xung đột bằng cách cố định tay chân thông qua thuốc hoặc dây tùy theo tình hình. “Tùy vào mức độ rối loạn mà bệnh viện có biện pháp, liệu trình điều trị phù hợp. Có trường hợp điều trị trong giai đoạn cấp tính khi bị ngộ độc chất gây nghiện nên cần 3-7 ngày để xóa bỏ hoang tưởng, ảo giác, sau đó là điều trị theo phác đồ. Cũng có trường hợp bị nặng nên dai dẳng, kéo dài cả tháng, thậm chí 50-60 ngày mới cắt được ảo giác”, bác sĩ Thanh cho biết.

Theo đánh giá của các y, bác sĩ tại Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị các chứng bệnh liên quan đến chất kích thích nhiều do hiện nay thực trạng sử dụng các chất này khá phổ biến. Ngoài ma túy tổng hợp bị xử lý hình sự khi phát hiện, vẫn còn nhiều chất kích thích được cung ứng khá phổ biến trong nhiều sản phẩm như thuốc lá điện tử, nước trái cây, bóng cười... mà chưa có chế tài xử lý. Đặc điểm của các sản phẩm này là tạo kích thích, hưng phấn và thường mang tính tập thể. Đây cũng là lý do vì sao, nhiều trường hợp ảo giác dù chỉ hút chung một điếu thuốc, uống chung một ly nước. “Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi  hung thủ không kiểm soát được hành vi do sử dụng chất kích thích quá mức, đến lúc  tỉnh táo trở lại thì đã quá muộn, không thể cứu vãn được nữa.

Việc sử dụng chất kích thích sẽ làm suy giảm trí nhớ, không thể tập trung làm việc, bỏ bê gia đình, không quan tâm đến người xung quanh, nặng hơn thì gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đến người khác như đã nói ở trên. Những trường hợp mới sử dụng thì dễ điều trị và điều trị nhanh chóng dứt điểm nhưng trên thực tế, phần lớn đã mắc phải thì dễ lặp lại và điều trị dai dẳng. Để tránh xa được hoàn toàn, cần nhất là ý chí, quyết tâm của bệnh nhân, cách ly hẳn môi trường xấu, thói quen sinh hoạt trước đây của mình. Nghiện chất kích thích là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để hủy hoại bản thân, hủy hoại gia đình và hệ lụy cho xã hội”, bác sĩ Thanh cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.