Báo Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để cải thiện tình trạng gia tăng rối loạn tâm thần. Trong đó, việc xây dựng lối sống năng động, lành mạnh, sự quan tâm của gia đình, nhà trường… là những việc cần làm để giúp trẻ phát triển toàn diện, tránh xa thói hư, tật xấu, làm lệch lạc suy nghĩ, tâm hồn.
Xây dựng lối sống năng động, lành mạnh, luyện tập thể thao để giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: PHAN CHUNG |
* PGS.TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Củng cố, gắn kết tình cảm gia đình
Sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người, gia đình mãi là nơi thiêng liêng nhất, bởi đó là nơi ta thực sự tìm thấy tình yêu thương, được sẻ chia, được bao bọc và bảo vệ vô điều kiện… Cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Nhất là trong thời kỳ công nghệ số, sự xuất hiện của internet, thiết bị thông minh trong gia đình có thể tăng sự kết nối giữa các thành viên, nhưng cũng có thể khiến sự gắn kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, rời rạc. Việc lạm dụng quá mức những thiết bị này cũng chính là tác nhân khiến cho nhiều gia đình tan vỡ. Một thực trạng đáng buồn hiện nay là có không ít các gia đình bố mẹ và con cái mỗi người một góc sử dụng một thiết bị thông minh để xem phim, lướt facebook, chơi game…
Các thành viên vẫn quây quần bên nhau sau mỗi ngày làm việc, nhưng thay vì giao tiếp, chuyện trò, tâm sự, chia sẻ trực tiếp để hiểu và đồng cảm với nhau thì họ lại im lặng chôn chặt những nỗi niềm, thả hồn vào những nhân vật trên thế giới ảo, trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ còn sử dụng thiết bị thông minh, intermet để dụ con ăn, dụ con tự chơi để làm việc của mình hoặc nghỉ ngơi thay vì chơi đùa, trò chuyện cùng con. Sự lạm dụng, chìm đắm trong thế giới mạng đã vô tình tạo điều kiện cho sự lạnh lẽo len lỏi vào tổ ấm gia đình. Chính vì thế, củng cố, gắn kết tình cảm gia đình bắt đầu từ việc bố mẹ chuẩn mực, làm gương trong sử dụng thiết bị điện thoại, internet. Cần bồi đắp tình yêu thương cho các con. Khi tình yêu thương đủ lớn thì các hành động thể hiện cũng đủ lớn và mang lại tiếng cười, hạnh phúc cho mọi thành viên, cùng quan tâm, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống.
* Bà Nguyễn Thị Quỳnh Linh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng: Đọc sách giúp ta trưởng thành
Xã hội hiện đại, với sự tăng cấp về áp lực cuộc sống cũng như muôn hình vạn trạng “những vấn đề” mà con người gặp phải cả thể chất lẫn tinh thần. Giới trẻ, thanh, thiếu niên hiển nhiên cũng gặp phải những vấn đề của riêng họ, kèm theo những mặt trái của kinh tế - văn hóa - xã hội hiện đại, những khoảng không gian và thời gian mà người lớn như người thân và thầy cô giáo không thể “chạm tới”, những tổn thương tâm lý, những “cơn đau tinh thần” xuất hiện, tình trạng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… trong giới trẻ có xu hướng tăng và phức tạp hơn so với những thế hệ trước. Có những nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai, hoặc chia sẻ với ai cũng không phù hợp, nhiều bạn trẻ đã tìm đến những trang sách... Những tác giả trẻ, đương đại với lối nghĩ, lối viết, lối thực hành gần gũi với tâm lý giới trẻ đã trở thành những người bạn thiết thân, có ý nghĩa nâng đỡ, động viên và “chữa lành” những vết thương tâm lý.
Hiệu quả cân bằng, bình ổn tâm trạng, nâng đỡ tinh thần của sách đã được chứng minh. Tuy nhiên, làm sao để những cuốn sách như thế đến được giới bạn đọc trẻ lại là một vấn đề nan giải. Đối với vấn đề nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ, tạo dựng thói quen đọc sách từ khi còn thơ ấu, thiết nghĩ, chỉ có thể bắt đầu một cách đơn giản và hiệu quả nhất từ gia đình. Thông qua việc tạo ra những góc đọc sách, tủ sách, kệ sách và người lớn thực hành việc đọc, sẽ hướng con em mình làm theo thói quen tốt đó và những cuốn sách đầu tiên, dù được tạo lập một cách có dụng ý dần dà sẽ trở thành một điều hiển nhiên, và sau đó là một người bạn không thể thiếu. Đọc sách giúp thanh, thiếu niên rời xa những thú vui vô bổ, những cạm bẫy hay những “bệnh lý tinh thần” không gì hơn là dành thời gian và giá trị đem lại sẽ cao hơn nếu dành thời gian cùng nhau và cho nhau bên những trang sách.
* Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu: Xây dựng kế hoạch rõ ràng
Do nhu cầu làm việc trực tuyến, học tập, tìm hiểu, nghiên cứu và nhu cầu giải trí, mọi người đều có khuynh hướng sử dụng internet ngày phổ biến với thời gian sử dụng ngày càng nhiều trên các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh vì tính linh hoạt của nó. Đối với thanh, thiếu niên, ngoài những mục đích sử dụng để phát triển bản thân và giải trí lành mạnh, không ít bạn do không cưỡng lại được sức hút của các trò chơi trực tuyến, các website giải trí dẫn đến sử dụng điện thoại, internet nhiều, sai mục đích, hậu quả là có nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, rối loạn ngôn ngữ và hành vi, khả năng giao tiếp kém, mất tập trung dẫn đến ảnh hưởng học tập, và lâu dài là ảnh hưởng về thể chất.
Phụ huynh nên hỗ trợ các con bằng cách có kế hoạch cụ thể để “cai” điện thoại, internet cho các con từng bước một. Thay thế dần thời gian sử dụng điện thoại bằng các hình thức khác như trò chuyện, làm việc nhà, đi dạo, tham gia các môn thể thao, tham gia các môn năng khiếu mà các con yêu thích, tham gia các hoạt động ngoại khóa... Đối với trẻ tiểu học và THCS, phụ huynh cần có những quy định cụ thể về thời gian sử dụng và nội dung truy cập. Quy định và giám sát, kiểm tra để tránh việc các em tự tìm hiểu, tự do sử dụng internet dễ bị cuốn hút, lôi kéo vào các trang giải trí không lành mạnh hoặc các chương trình, các trò chơi gây nghiện.
PHAN CHUNG ghi