Đa dạng hoạt động kiểm tra, tuyên truyền an toàn thực phẩm

.

Mặc dù công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai từ thành phố đến tuyến cơ sở, nhưng những vi phạm về lĩnh vực này vẫn tiếp tục diễn ra. Nhằm kích cầu du lịch, tiêu dùng trong đợt cao điểm mùa du lịch năm 2024 kết hợp với nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người dân, du khách được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố vừa tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại 74 cơ sở kinh doanh phục vụ lưu trú có dịch vụ ăn uống, phục vụ khách đoàn trong mùa cao điểm du lịch trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê. Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ; quy trình sơ chế, chế biến, vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước dùng trong chế biến; hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc của nguyên liệu; kiến thức, thực hành vệ sinh của người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế và các quy định khác có liên quan.

Theo ông Nguyễn Phú Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, lồng ghép vào trong nội dung kiểm tra, đoàn cũng sẽ tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chủ động thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. “Đặc biệt, lực lượng chức năng yêu cầu chủ cơ sở quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, chế độ kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ du khách; không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm; tạo an toàn cho người dân, du khách khi đến với Đà Nẵng”, ông Phúc cho biết.

An toàn thực phẩm là chủ đề xuyên suốt, thiết thực, nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn được triển khai đến các nhóm đối tượng sản xuất thực phẩm cụ thể. Bà Ngô Thị Kim Thương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, bún, mỳ, phở tươi là món ăn phổ biến và được ưa chuộng hằng ngày của người dân, nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu chủ cơ sở không nắm rõ các quy định, hướng dẫn liên quan sản xuất, chế biến.

“Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh bún, mỳ, phở trên địa bàn thành phố và giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm thành phố Đà Nẵng đến các cơ sở. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó nhấn mạnh các điểm lưu ý trong quá trình sản xuất và kinh doanh của các cơ sở; giải đáp những thắc mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, bà Thương cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các phòng chuyên môn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn phổ biến, giới thiệu và vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 200 nhà hàng, cơ sở lưu trú có phục vụ ăn uống; 135 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 85 tiểu thương tại các chợ. Bên cạnh đó, hoạt động thanh, kiểm tra xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh.

Theo đó, các cấp, các ngành đã thanh tra, kiểm tra 8.984/22.417 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tàu cá trên địa bàn thành phố (đạt tỷ lệ 40,08%), xử phạt vi phạm hành chính 80 trường hợp với số tiền 172,6 triệu đồng. Các hành vi vi phạm được ghi nhận là kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh...

“Hiện nay, việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở cấp quận, huyện, phường, xã còn khó khăn, hạn chế do thiếu công chức chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm, đồng thời số lượng cơ sở phân cấp quản lý nhiều. Đối với cấp phường, xã không có đủ nguồn lực để phục vụ việc tăng cường kiểm tra, giám sát ngoài giờ. Để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này, cần tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn thành phố. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành về an toàn thực phẩm, phần mềm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong tiêu dùng, chế biến, bảo quản thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người dân, du khách”, ông Hải cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.