Chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi

.

Thành phố hiện nay có 134.325 người cao tuổi (60 tuổi trở lên), chiếm 11,27% dân số thành phố. Càng về già, sức khỏe người cao tuổi giảm sút, mắc nhiều bệnh lý, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người già cần được quan tâm nhằm giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Người cao tuổi phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) được khám bệnh về mắt miễn phí vào cuối tháng 8-2024. Ảnh: N.Q
Người cao tuổi phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) được khám bệnh về mắt miễn phí vào cuối tháng 8-2024. Ảnh: N.Q

Từ đầu năm đến nay, Hội Người cao tuổi quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Bệnh viện Mắt Sài Gòn Sông Hàn tư vấn, khám mắt, tặng thuốc miễn phí cho hơn 600 người cao tuổi. Với những trường hợp khó khăn, Hội Người cao tuổi vận động Bệnh viện Mắt Sài Gòn Sông Hàn hỗ trợ phẫu thuật miễn phí. Trước đây, bà Phan Thị Hương (SN 1954, phường Hòa Hải) bị khô mắt, không nhìn rõ. Tháng 7-2024, bà được khám mắt miễn phí do Hội Người cao tuổi phường tổ chức và được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể. Do hoàn khó khăn, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Sông Hàn hỗ trợ bà phẫu thuật mắt miễn phí. Hiện nay, bà có thể nhìn xa, rõ hơn, sinh hoạt, di chuyển cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Công Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay, hội phối hợp trung tâm y tế quận, trạm y tế các phường khám bệnh định kỳ, phát thuốc miễn phí cho 7.599 người cao tuổi; phối hợp phòng khám nha khoa quốc tế ZALA chăm sóc, khám chữa răng cho 200 người; phối hợp Đồn Biên phòng Non Nước khám sức khỏe, đo điện tim, phát thuốc miễn phí cho 243 người. Hiện nay, người cao tuổi trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế đạt gần 95% và được thăm khám, chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc hỗ trợ chi trả một phần theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các phường trên địa bàn đang duy trì hiệu quả các CLB dưỡng sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi.

Trên địa bàn thành phố có 237 CLB phục vụ người cao tuổi, gồm: 34 CLB văn hóa - văn nghệ, 165 CLB thể dục - thể thao, 44 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Trong đó, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình mới, thuộc dự án “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam” (dự án VIE 071) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản (JSDF). Mô hình giúp người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, tinh thần, cải thiện kinh tế và gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Sau hơn một năm thành lập, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) có hơn 40 thành viên tham gia. Ông Trần Văn Hướng, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài hỗ trợ người cao tuổi vay vốn phát triển kinh tế, CLB phát triển 10 tình nguyện viên trẻ và duy trì đến nhà từng thành viên để chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, động viên người cao tuổi neo đơn, ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng, CLB cân, đo huyết áp cho tất cả thành viên cao tuổi, tổ chức sinh nhật, giao lưu văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần các thành viên.

Theo Hội Người cao tuổi thành phố, hiện nay có 28% người cao tuổi cần trợ giúp các hoạt động hằng ngày như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, ăn uống; người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mắc trung bình gần 7 bệnh, các hội chứng lão khoa. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống, tinh thần cho người cao tuổi là việc làm quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2023, 131.369 người cao tuổi trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế; 61.877 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần ở tuyến cơ sở; 77.461 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại cơ sở.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Phạm Quý cho biết, các chính sách về chăm sóc sức khỏe, tinh thần đối với người cao tuổi trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. Nhờ vậy, đời sống tinh thần, sức khỏe của người cao tuổi ngày càng được nâng lên, từ đó phát huy vai trò trong xây dựng hạnh phúc gia đình, đóng góp quan trọng trong các phong trào tại cơ sở. Dù vậy, vẫn còn nhiều người cao tuổi khó khăn cần tiếp tục được quan tâm, chăm sóc để bảo đảm công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, hội tiếp tục duy trì và nhân lên các mô hình chăm sóc tinh thần, sức khỏe, giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống hạnh phúc.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.