UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở, tiền đề để ngành y tế triển khai các hoạt động chuyên môn, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người khuyết tật và người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết, hoặc chấn thương cấp tính, mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế.
Theo Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 16.000 người khuyết tật, chiếm 1,2% dân số, trong đó có 14.000 người khuyết tật nặng. Công tác phối hợp liên ngành trong phục hồi chức năng trên địa bàn thành phố được thể hiện cụ thể qua các hoạt động, chương trình chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật cho trẻ 0-6 tuổi và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chế độ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bởi những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nên việc tiếp cận dịch vụ y tế bị hạn chế. Đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành phục hồi chức năng còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa ổn định đồng đều giữa các tuyến. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình, cộng đồng về khuyết tật và tầm quan trọng của phát hiện sớm, can thiệp sớm chưa cao.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế, việc triển khai các kế hoạch phát triển phục hồi chức năng trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm cho người khuyết tật, người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
“Định hướng và mục tiêu thời gian tới của ngành y tế đối với lĩnh vực phục hồi chức năng là phải bảo đảm trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; trên 90% cơ sở phục hồi chức năng, bao gồm bệnh viện, trung tâm, khoa được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển. Ngoài ra, tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân”, bác sĩ Thủy cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị của người dân và phù hợp với định hướng phát triển của ngành y tế, các bệnh viện chuyên khoa cũng không ngừng đầu tư, đổi mới và triển khai nhiều kỹ thuật phục vụ người bệnh. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, thời gian qua đơn vị không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng cho biết, để phát triển chuyên môn, đơn vị tăng cường hợp tác quốc tế với Tập đoàn Y tế xã hội Aijinkai và Hiệp hội Y bác sĩ thành phố Masuda (Nhật Bản). Ở trong nước, bệnh viện tổ chức hợp tác với các trường đại học, bệnh viện như: Trường Đại học Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Phục hồi chức năng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Bệnh viện Tâm thần, các trung tâm y tế quận, huyện.
“Trong chiến lược phát triển bệnh viện thời gian tới, bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng đạt mức chất lượng khá, tiến tới đạt mức chất lượng tốt theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Các khoa lâm sàng được bố trí cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực bảo đảm cung cấp các dịch vụ toàn diện phục hồi chức năng về thể chất, tâm thần, xã hội và triển khai được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật”, bác sĩ Dũng cho biết.
Để phát triển hệ thống phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, tạo sự phối hợp đồng đều giữa các tuyến, ngành y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển lĩnh vực phục hồi chức năng trong tương lai.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, sở tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và dạy nghề của các cơ sở đào tạo, khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia đào tạo nhân lực phục hồi chức năng. Có kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Bệnh viện Phục hồi chức năng cũng như khoa vật lý trị liệu, y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các trung tâm y tế quận, huyện. Ngành y tế cũng từng bước đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết, áp dụng khoa học công nghệ, các chuyên ngành sâu về phục hồi chức năng theo hướng riêng biệt cho từng loại bệnh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
PHAN CHUNG