Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm bữa ăn sạch

.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là phương án cho phép người tiêu dùng trực tiếp dễ dàng thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố triển khai nhiều hoạt động truy xuất nguồn gốc hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, mục đích nâng cao chất lượng thực phẩm, bảo đảm bữa ăn sạch cho người dân.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1) là hợp phần quan trọng trong đề án Xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại thành phố. Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm buộc trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà sản xuất, cũng như người tiêu dùng phải tăng lên, nhất là doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Tổ quản lý vận hành truy xuất nguồn gốc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tập huấn, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Theo bà Ngô Thị Kim Thương, Tổ phó Tổ quản lý vận hành truy xuất nguồn gốc, một trong những lợi ích của truy xuất nguồn gốc thực phẩm chính là bảo vệ thương hiệu uy tín và nâng tầm giá trị của doanh nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời giúp tăng tính cạnh tranh, kích thích người mua hàng. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng của sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với những sản phẩm thực phẩm sử dụng hằng ngày như: thịt heo, thịt bò, thịt gà và trứng... Do vậy, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.

“Để đáp ứng nhu cầu đó, đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải minh bạch các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tự chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin khai báo về nguồn gốc thực phẩm do họ sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng những sản phẩm có dán tem QR-Code truy xuất nguồn gốc thực phẩm”, bà Thương cho biết.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ở các lĩnh vực như cung ứng thịt heo (21 doanh nghiệp), thịt bò (2 doanh nghiệp), thịt gà (10 doanh nghiệp), trứng gà (7 doanh nghiệp).

Phát huy hiệu quả từ cách làm này, các địa phương cũng chủ động triển khai truy xuất nguồn gốc kết hợp lồng ghép hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán đồ ăn vỉa hè. Thời gian qua, Phòng Y tế quận Hải Châu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về khung tiêu chí về an toàn thực phẩm cũng như triển khai cấp mã QR-Code cho các cơ sở dịch vụ ăn uống trên các tuyến phố theo hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ trên ứng dụng Danang City Food.

Theo bà Phạm Thị Thùy Phương, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu, hiện đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn và cấp 1.400 mã QR-Code cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, chiếm 53,8% tổng số mã QR-Code được cấp cho toàn thành phố. “Đây là cách làm nhằm nâng chuẩn dịch vụ, bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hút khách hàng đến các tuyến phố ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thời gian tới, Phòng Y tế sẽ tập trung truyền thông và triển khai tiêu chuẩn nâng hạng sao cho các cơ sở dịch vụ ăn uống và cấp mã QR-Code theo hệ thống truy xuất nguồn gốc thành phố trên ứng dụng Danang City Food cho tất cả cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn 13 phường”, bà Phương cho biết.

Tiếp nối hoạt động này, mới đây Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch hướng dẫn sử dụng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều rộng tại các chợ đã được công nhận an toàn thực phẩm. Dự kiến có khoảng 460 tiểu thương kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chợ trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện ứng dụng này, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm mục đích tăng trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, sự cam kết của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng đều là yếu tố quan trọng giúp đẩy mạnh tiến trình này, đồng thời tạo ra một cộng đồng mua sắm thông minh và có trách nhiệm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.