Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đẩy mạnh hoạt động khám, tư vấn dinh dưỡng hỗ trợ bệnh nhân điều trị bệnh, nhất là các bệnh lý không lây nhiễm, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân một cách chủ động, bền vững.
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi được khám lâm sàng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hằng tháng, bệnh nhân Hoàng Văn Nam (62 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam) đều đến Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu khám, lấy thuốc bảo hiểm y tế điều trị bệnh tiểu đường tuyp 2. Ông Nam phát hiện và sống chung với bệnh tiểu đường đã 5 năm nay. Ngoài việc uống thuốc theo kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ, ông chủ động tìm hiểu chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe.
“Khi đến khám, ngoài bác sĩ chuyên khoa thì tôi được các bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành dinh dưỡng tư vấn thêm về chế độ ăn uống, sinh hoạt để hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Điều này rất cần thiết, giúp hạn chế việc lệ thuộc vào thuốc”, ông Nam cho biết. Các bác sĩ Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu) giúp ông Nam hiểu rõ nguyên nhân bệnh, các biến chứng kèm theo. Đặc biệt, phần lớn thời gian các nhân viên y tế tập trung chăm sóc, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp hỗ trợ tốt quá trình điều trị bệnh như ăn vừa đủ với nhu cầu cơ thể; ăn chậm nhai kỹ; bữa ăn phải có đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ; thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh hầm nhừ, xay nhuyễn hoặc nấu ở nhiệt độ quá cao…
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Phạm Mi Trang, Trưởng khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, để phục vụ và hỗ trợ tốt hơn nhu cầu người bệnh, Trung tâm Y tế quận thành lập Phòng khám, tư vấn dinh dưỡng bệnh lý mạn tính không lây với mục đích giúp bệnh nhân hiểu rõ vai trò dinh dưỡng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chủ động. Theo đó, dinh dưỡng tốt giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật, đồng thời điều hòa các rối loạn chuyển hóa làm giảm hội chứng bệnh, nhất là các bệnh như: bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận, suy tim, bệnh lý về gan, dạ dày…
“Mất cân bằng về dinh dưỡng đều không tốt cho người bệnh. Thiếu dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng, với người bệnh nằm viện sẽ làm tăng tỷ lệ biến chứng, thời gian nằm viện kéo dài, làm tăng chi phí điều trị. Ngược lại, thừa dinh dưỡng sẽ là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, các bệnh tim mạch. Khi người bệnh đang có vấn đề về sức khỏe, nếu ăn uống không đúng cách sẽ làm bệnh càng nặng thêm”, bác sĩ Trang cho biết.
Xuất phát từ thực tế này, các bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm ngoài việc kết hợp điều trị thuốc để đạt mục tiêu sẽ được hướng dẫn một chương trình, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dựa trên tình trạng bệnh lý, các bác sĩ lên thực đơn chi tiết cân đối đủ lượng đạm, đường, chất béo theo chương trình chăm sóc cá nhân hóa. Thông qua các phần mềm, ứng dụng, nhân viên y tế theo dõi, tư vấn hằng ngày, giải đáp các thắc mắc cho bệnh nhân khi cần. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, nhân viên y tế soạn các nội dung đơn giản, ngắn gọn, súc tích giúp hiểu và áp dụng một cách dễ dàng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, dinh dưỡng đúng, đủ đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì sức khỏe tốt, dự phòng các bệnh lý, nhất là bệnh lý chuyển hóa không lây nhiễm. Song song với điều trị bằng thuốc và nhiều phương pháp can thiệp khác, người bệnh cần tăng cường khả năng dự phòng bệnh bằng việc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng. Đơn cử, thời gian gần đây, việc thừa cân, béo phì do mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng đã làm gia tăng một số bệnh mạn tính không lây. Đây là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn cơ xương, tạo tâm lý mặc cảm, stress.
“Trong các hoạt động thực hiện mục tiêu y tế, dân số, trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại địa phương về vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe. Người dân thay đổi thói quen về lối sống, chế độ ăn uống sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, là cơ sở đẩy lùi các bệnh lý nguy hiểm không lây nhiễm. Hoạt động dự phòng từ dinh dưỡng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng khỏe mạnh, giảm gánh nặng y tế và nhiều hậu quả, hệ lụy khác có thể gây ra do bệnh tật”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
PHAN CHUNG