Tiêm chủng vắc-xin giúp ngăn ngừa, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm, nhất là với trẻ em chưa có hệ miễn dịch đầy đủ. Tuy nhiên, người được tiêm chủng cần phải khám sàng lọc kỹ, nhân viên y tế thực hành tốt việc tiêm vắc-xin, đồng thời theo dõi diễn biến sau tiêm theo đúng quy định. Để làm được điều đó, các hoạt động tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực tiêm chủng được tổ chức, cập nhật thường xuyên.
Các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, tư vấn, khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm được thực hiện nghiêm túc tại các cơ sở y tế. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố vừa tổ chức lớp tập huấn khám sàng lọc trước tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024. Tham gia lớp tập huấn có hơn 50 cán bộ y tế hiện đang làm công tác tiêm chủng mở rộng tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động chuyên môn được CDC Đà Nẵng tổ chức thường xuyên nhằm cung cấp kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng thực hành tiêm chủng cho nhân viên y tế.
Theo CDC Đà Nẵng, tiêm chủng mở rộng là chương trình mục tiêu quốc gia, với mục tiêu là giảm các tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Để đạt được mục tiêu này, quá trình tiêm chủng từ bảo quản, vận chuyển vắc-xin; quy trình tiêm và giám sát phản ứng sau tiêm phải bảo đảm an toàn. Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn tiêm chủng, theo dõi xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, công tác an toàn tiêm chủng đã được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện. Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, đúng quy định. Các hoạt động tập huấn này luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các đơn vị.
Theo y sĩ Lê Thị Kim Yến, Trưởng trạm Y tế phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), hoạt động tiêm chủng mở rộng tại phường được chia làm 2 đợt trong tháng. Căn cứ vào số lượng vắc-xin được cung ứng, phường thông báo cho người dân biết để chủ động đưa con, em mình đến tiêm.
“Việc liên tục tham gia các chương trình tập huấn an toàn tiêm chủng như khám sàng lọc, thực hành tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm là hết sức cần thiết, giúp nhân viên y tế nhận diện, phân loại cụ thể từng trường hợp để có biện pháp xử trí kịp thời”, y sĩ Yến cho biết.
Trong các hoạt động tiêm chủng, việc khám sàng lọc ban đầu được thực hiện nghiêm túc theo Quyết định 1575/QĐ-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Hoạt động này bao gồm thăm khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.
Thông qua khám sàng lọc, nhân viên y tế sẽ chống chỉ định với một số trường hợp như trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng lần tiêm trước như sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở; trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan… Một số trường hợp sẽ tạm hoãn tiêm đối với trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng, chỉ tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định; trẻ sốt ≥ 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 độ C; trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính khác…
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, hoạt động tiêm chủng được thực hiện theo các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, trong đó nhấn mạnh việc tiêm chủng an toàn. Các lớp tập huấn giúp nhân viên y tế nâng cao năng lực thực hành thông qua việc được phổ biến thêm các kiến thức về giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng; tăng cường quản lý dữ liệu, đăng ký tiêm chủng cho trẻ em trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia…
“Để hoạt động tiêm chủng được tổ chức an toàn, đúng quy định, CDC Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng; thực hiện tiêm chủng đúng quy định như tiêm đúng đối tượng, đúng vắc-xin, đúng liều, đúng thời điểm. Thực hiện theo dõi sau tiêm chủng và hướng dẫn đầy đủ cho các bà mẹ cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm chủng, thông báo kịp thời cho cán bộ y tế trong trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường để có biện pháp can thiệp ngay. Các đơn vị liên quan cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện chấn chỉnh ngay những tồn tại, khó khăn của đơn vị, địa phương, từ đó bảo đảm việc tiêm chủng an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Hóa cho biết thêm.
PHAN CHUNG