Để ngăn chặn bệnh sởi xâm nhập trên địa bàn thành phố, ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch và tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi, sởi - rubella cho trẻ em trong độ tuổi. Đồng thời, tăng cường giám sát từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện, cách ly những trường hợp phát ban nghi sởi, trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài các điểm tiêm chủng công lập, trên địa bàn thành phố còn có nhiều cơ sở tiêm chủng ngoài công lập. TRONG ẢNH : Một cơ sở tiêm chủng ngoài công lập tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho trẻ em thành phố. Ảnh: L.H |
Đẩy mạnh cộng tác tiêm chủng
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi gây ra. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Tiêm vắc-xin sởi là cách tốt nhất để ngăn ngừa trẻ mắc bệnh. Ngay từ đầu năm, CDC thành phố đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh sởi, trong đó có mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.
Theo đó, các cơ sở y tế chủ động trển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho tất cả trẻ em thuộc diện cần tiêm vắc-xin sởi, sởi - rubella chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự trù, sử dụng hiệu quả vắc-xin tiêm chủng mở rộng được phân bổ. CDC thành phố tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự phát triển của bệnh sởi.
Theo CDC thành phố, trong 10 tháng năm 2024, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi trên địa bàn đạt 92,5% và tỷ lệ tiêm vắc xin phối hợp sởi - rubella đạt 84,4%. “Cùng với việc triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi, sởi - rubella cho trẻ, các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh cũng được ngành y tế đẩy mạnh”, bác sĩ Hóa cho biết.
Phòng bệnh từ sớm, từ xa
Theo số liệu thống kê, từ 11 đến 17-11, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc bệnh sởi. Trước đó, từ ngày 4 đến 10-11, trên địa bàn ghi nhận 1 ca mắc sởi, đây là ca bệnh được phát hiện và chuyển về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 19-11, Đà Nẵng ghi nhận 5 ca mắc bệnh sởi. Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, sở dĩ Đà Nẵng chỉ xuất hiện số ca mắc bệnh sởi đếm trên đầu ngón tay là do công tác tiêm chủng cho trẻ đạt tỷ lệ cao.
Hiện nay, ngoài các điểm tiêm chủng công lập, trên địa bàn thành phố còn có nhiều cơ sở tiêm chủng ngoài công lập. Điều này giúp người dân có thêm sự lựa chọn để tiêm đúng, tiêm đủ vắc-xin cho con em. Khi tỷ lệ tiêm chủng càng cao thì việc xâm nhập của dịch bệnh sẽ càng thấp.
Lãnh đạo CDC thành phố cho biết, mặc dù hiện nay bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế thành phố. Tuy nhiên, Đà Nẵng là thành phố kết nối, vùng kinh tế phát triển và năng động của khu vực miền Trung. Cùng với đó hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi nên lượng người từ các địa phương khác qua lại thành phố rất lớn. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ mang theo mầm bệnh sởi từ ngoài xâm nhập vào.
Theo Sở Y tế, để ngăn chặn bệnh sởi xâm nhập vào thành phố và ứng phó có hiệu quả, đơn vị đã yêu cầu cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; phối hợp CDC thành phố thực hiện các biện pháp điều tra, giám sát dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, sẵn sàng thuốc, nhân lực, hóa chất, vật tư, trang thiết bị; bố trí khu vực cách ly để kịp thời tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi giữa các bệnh nhân.
Bệnh sởi lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc-xin sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.
Bác sĩ Nguyễn Hóa khuyến cáo: Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc-xin sởi đầy đủ từ 2 mũi, tiêm đúng lịch và tiêm càng sớm càng tốt trong độ tuổi khuyến cáo để giúp cơ thể được bảo vệ trước sự tấn công của virus sởi. Người dân cần thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc sởi.
Trường học cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Ngày 14-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng, chống và chủ động kiểm soát, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng. Theo đó, yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. |
LÊ HÙNG