Ngưng thở khi ngủ là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn gây ra một số vấn đề nghiêm trọng khác như: tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, trầm cảm…
Theo thống kê của ngành y tế, khoảng 8,5% dân số Việt Nam mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ; tăng tỷ lệ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ tử vong lên gấp 3 lần trong vòng 15 năm.
Bệnh nhân T.T.N (55 tuổi, Đà Nẵng) đến Bệnh viện Đà Nẵng khám tầm soát, sàng lọc để tìm nguyên nhân khiến bản thân không khỏe suốt thời gian dài. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có các nguy cơ như béo phì, ngáy to khi ngủ khiến chất lượng giấc ngủ kém, nên khi thức dậy vẫn lơ mơ, đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung và không thể làm việc được. Do tầm soát, sàng lọc nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được bệnh, bệnh nhân N. lo sợ dẫn đến trầm cảm, nghĩ mình mắc bệnh nan y nên bi quan và chất lượng cuộc sống ngày càng kém.
Tại Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Đà Nẵng), bệnh nhân N. được chỉ định đo đa ký trong suốt một đêm dài. Kết quả xuất hiện nhiều cơn ngưng thở từ 10-30 giây, thậm chí có những cơn ngưng thở nặng kéo dài gần 1 phút. Qua thăm khám và đo đa ký giấc ngủ, xác định được tình trạng ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân được chẩn đoán các nguyên nhân thực thể như cấu trúc sọ mặt, lưỡi, cổ, bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, tuyến ức, tuyến cận giáp, các tổn thương phần mềm vùng hầu họng, dây chằng, tình trạng mất hoặc giảm trường lực cơ dẫn đến hẹp đường thở…
Bên cạnh đó, yếu tố thần kinh cũng được chẩn đoán kỹ lưỡng để có hướng điều trị kịp thời, tránh dẫn đến các nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng. “Những cơn ngưng thở khi ngủ như trường hợp bệnh nhân N. sẽ khiến CO2 trong máu tăng lên, nồng độ oxy trong máu giảm. Không những vậy, hệ thống chuyển hóa bị tác động dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, thần kinh, tâm sinh lý… Sáng dậy người bệnh thường xuyên trong trạng thái đau đầu, mất tập trung… nằm trong tình trạng ngộ độc CO2 của chính mình do chưa đào thải hết CO2. Bệnh nhân sẽ hiểu nhầm mình mệt do những nguyên nhân như huyết áp, tim mạch chứ không nghĩ do ngộ độc thừa CO2 và thiếu O2, tức là tình trạng thán khí trong người”, bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội hô hấp cho biết.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng, đối với các bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ, sau khi thăm khám và đo đa ký giấc ngủ xác định mức độ nặng hay nhẹ sẽ được tư vấn điều trị phù hợp. Theo đó, nếu nhẹ thì bệnh nhân sẽ được tư vấn bỏ thuốc lá, giảm cân, tư vấn tư thế khi ngủ để hạn chế ngủ ngáy và chèn ép ngừng thở. Trường hợp nặng hơn thì tùy nguyên nhân thực thể hay cơ năng để điều trị bằng dụng cụ đưa hàm dưới ra trước, điều trị ngoại khoa hoặc tư vấn đeo máy trợ thở áp lực dương khi ngủ.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng, việc kiểm soát chất lượng giấc ngủ thực sự là một môn khoa học mang lại hiệu quả rất lớn. Bởi vì ngưng thở khi ngủ còn chưa được chú ý chẩn đoán, nên người bệnh thường đi khám nhiều chuyên khoa khác nhau, rất tốn kém về thời gian và tiền bạc trước khi đến khám bác sĩ chuyên khoa. “Việc đo đa ký giấc ngủ và xử lý ngưng thở khi ngủ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề mang tính dự phòng, tránh bỏ sót một bước chẩn đoán quan trọng để phát hiện nguyên nhân gây bệnh. Cùng với chẩn đoán chất lượng giấc ngủ, chúng tôi đang tiến đến y học chuyên sâu về dự phòng, tiên đoán, phòng ngừa các bệnh lý khác một cách đồng bộ”, bác sĩ Nhân cho biết.
Theo các bác sĩ, hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng hoặc giảm thở từng cơn khi ngủ. Điều này có nghĩa là dòng khí dừng hoặc giảm lưu thông qua đường hô hấp của người bệnh hơn 10 giây và xuất hiện trên 5 lần/giờ trong lúc đang ngủ. Do bệnh ngưng thở khi ngủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thay đổi về lối sống, thừa cân, béo phì và các bệnh lý mạn tính khác, nên để có được hiệu quả điều trị tối ưu phải phối hợp đa chuyên khoa, đa phương pháp. Việc phát hiện sớm ngưng thở khi ngủ rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, từ đó giảm thiểu các rủi ro sức khỏe liên quan.
LÊ HÙNG