Nhằm tăng tỷ lệ bảo phủ các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, ngành y tế thành phố triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc-xin cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thăm khám, điều trị cho các bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, truyền nhiễm. Ảnh: LÊ HÙNG |
Tỷ lệ trẻ tiêm chủng cao
Theo Sở Y tế, tiêm chủng vắc-xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Các vắc-xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trong các năm qua, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt hơn 95% trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, ước tính trung bình hằng năm có 100.000 - 200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tích lũy số trẻ này qua các năm, đặc biệt với tình trạng di biến động dân cư trong các năm gần đây có xu hướng gia tăng và gián đoạn tiêm chủng thời kỳ bùng phát Covid-19 là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, năm 2024, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi ước đạt 97% và tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi ước đạt 91%. Tuy nhiên, với mật độ dân số đông, là đầu mối giao thông quan trọng và là điểm đến của nhiều du khách quốc tế, nên nguy cơ các dịch bệnh xâm nhập vào thành phố là rất lớn.
Thêm vào đó, ảnh hưởng của Covid-19 và tình trạng thiếu hụt một số vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại một số thời điểm trong năm 2023 làm nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có khả năng quay trở lại, nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát. Vì vậy, việc triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học chưa hoàn thành lịch tiêm chủng mở rộng để triển khai tiêm chủng bù liều trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Tăng cường kiểm tra tiền sử tiêm chủng
Mới đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ mầm non, tiểu học trên địa bàn. Mục tiêu là 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở nhóm trẻ nhập học tại các trường mầm non, tiểu học (lớp 1) công lập và tư thục. Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc-xin sởi, sởi - rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh.
Cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) cho biết, nhà trường đã cử giáo viên và cán bộ y tế đi tập huấn; đồng thời chủ động nhắn thông tin và gửi kế hoạch của UBND thành phố đến tất cả phụ huynh học sinh lớp 1.
Theo đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh photo sổ tiêm chủng cá nhân của học sinh và gửi về giáo viên chủ nhiệm để tổng hợp, báo cáo. Đối với học sinh đã tiêm các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng mất sổ tiêm chủng thì yêu cầu phụ huynh đến nơi trẻ đã tiêm để sao lưu. Hiện tại, đã có hơn 50% phụ huynh học sinh lớp 1 cung cấp bản photo sổ tiêm chủng của trẻ cho nhà trường. Số còn lại do chưa tìm ra hoặc bị mất, nhà trường sẽ tiếp tục hướng dẫn cách thức và động viên, đốc thúc để kịp đúng tiến độ đề ra.
Cũng như Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, ngay sau khi nhận được kế hoạch của cấp trên, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã chủ động cử cán bộ y tế, giáo viên tham gia tập huấn và triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng của trẻ.
Theo cô Lương Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu), nhà trường đã chủ động thông báo, triển khai trong nhóm trẻ và phụ huynh. Bên cạnh đó, hằng ngày trong lúc đón và trả trẻ, các giáo viên nhắc phụ huynh cung cấp sổ tiêm chủng của trẻ để kiểm tra và tổng hợp, báo cáo. Đến nay, nhà trường đã rà soát được thông tin tiền sử tiêm chủng của 358 trẻ (đạt tỷ lệ 80%) và phấn đấu đạt 100% trước ngày 15-12.
Theo Sở Y tế, sau khi hoàn thành việc rà soát tiền sử, các cơ sở y tế sẽ tổ chức tiêm chủng bù liều theo đợt riêng hoặc lồng ghép với các đợt tiêm chủng thường xuyên. Theo đó, năm học 2024-2025, việc rà soát sẽ hoàn thành trong tháng 12-2024 và tổ chức tiêm chủng bù liều vào quý 1 năm 2025. Các năm tiếp theo, việc thu thập thông tin và lập danh sách trẻ cần tiêm bù liều vắc-xin sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất và việc tiêm chủng bù liều hoàn thành chậm nhất trong tháng 12 hằng năm.
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC thành phố cho biết, cơ sở giáo dục là môi trường tập trung lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ. Triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc-xin khi nhập học cho trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi hằng năm sẽ giúp can thiệp đúng đối tượng, thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, không để dịch xảy ra, góp phần tiết kiệm nguồn lực về con người. Chủ động tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe trẻ em.
LÊ HÙNG