Làm gì để phòng, chống cúm mùa hiệu quả?

.

Trước tình hình dịch cúm mùa đang có xu hướng gia tăng, công tác phòng ngừa rất quan trọng, đặc biệt là với các đối tượng trẻ em và người già. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) về một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Người dân đến chờ tiêm vắc-xin tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Thanh Khê.  Ảnh: KHÁNH NGÂN
Người dân đến chờ tiêm vắc-xin tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Thanh Khê. Ảnh: KHÁNH NGÂN

* Bác sĩ có thể cho biết tình hình dịch cúm mùa diễn ra trên địa bàn thành phố những ngày vừa qua?

- Tại Đà Nẵng, tình hình bệnh cúm mùa đầu năm 2025 được ghi nhận ở mức ổn định, không có sự biến động lớn so với các năm trước. Cụ thể, trong tháng 11, 12 năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 185 trường hợp mắc cúm mùa phải điều trị nội trú tại các cơ sở y tế (chiếm tỷ lệ 18,7% trong tổng số 989 trường hợp cúm mùa năm 2024). Trong khi đó, tháng 1-2025, ghi nhận 122 trường hợp cúm mùa được điều trị.

* Các triệu chứng phổ biến của cúm mùa là gì?

- Trên thực tế, cảm lạnh thường do virus Rhinovirus gây ra, còn cúm mùa do virus cúm A và B gây ra, các triệu chứng của chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai bệnh lý khá rõ ràng. Các triệu chứng của cảm lạnh thường bắt đầu xuất hiện trong khoảng 1-3 ngày sau khi nhiễm virus và các triệu chứng thường nhẹ.

Trong khi đó, cúm mùa lại bắt đầu đột ngột với các triệu chứng nặng hơn như sốt cao và không có dấu hiệu báo trước. Một số triệu chứng đặc trưng của cúm mùa bao gồm: chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho khan, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, chảy nước mắt, nhức hốc mắt, nhức đầu, nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em), cùng với sốt cao. Thời gian mắc bệnh cảm lạnh và cúm mùa kéo dài khác nhau, phụ thuộc vào loại virus gây bệnh và khả năng miễn dịch của từng người.

Cảm lạnh thường ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sẽ tự khỏi trong 5-7 ngày. Ngược lại, cúm mùa thường kéo dài lâu hơn, từ 1-2 tuần. Đặc biệt, trong một số trường hợp, các triệu chứng như mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn và ho khan vẫn có thể kéo dài 4-6 tuần sau khi bệnh đã thuyên giảm.

* Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng gì cho người già và trẻ em?

- Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đối với mọi đối tượng, nhưng nguy cơ cao hơn ở những nhóm sau: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi vì hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, cơ thể yếu, khó chống lại sự xâm nhập của virus cúm; người già trên 65 tuổi do quá trình lão hóa làm suy yếu hệ miễn dịch, đồng thời, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền, làm tăng nguy cơ mắc cúm và biến chứng nặng; người mắc bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, thận mãn tính, và các bệnh suy giảm miễn dịch có thể khiến người bệnh gặp phải biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm.

Theo đó, các biến chứng phổ biến bao gồm: suy hô hấp, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng xoang và tai, viêm não. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.

* Làm thế nào để phòng tránh cúm mùa hiệu quả cho người già và trẻ em? Những thói quen sinh hoạt nào giúp nâng cao sức đề kháng để phòng tránh?

- Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa: khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì không tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà. Thay vào đó, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để hạn chế phát tán các dịch tiết hô hấp; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Đặc biệt, tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch và phòng ngừa cúm hiệu quả.

Để nâng cao sức đề kháng, những thói quen sinh hoạt cần chú ý gồm: chế độ dinh dưỡng hợp lý; tập thể dục đều đặn; ngủ đủ giấc; giữ ấm cơ thể; giảm căng thẳng. Ngoài ra, để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ lây nhiễm cúm mùa và các bệnh lý khác, việc thường xuyên lau các bề mặt trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc là rất quan trọng. Một số bề mặt cần được vệ sinh thường xuyên bao gồm: bàn, ghế và đồ chơi của trẻ; tay nắm cửa và công tắc đèn; điện thoại và thiết bị điện tử; bề mặt bàn ăn và dụng cụ ăn uống; vách tường, rèm cửa và thảm.

* Bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân trong việc phòng ngừa cúm mùa?

- Người dân cần nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ các triệu chứng; cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; tăng cường vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; tạo thói quen phòng ngừa từ sớm; ở nhà khi có triệu chứng bệnh và tư vấn y tế kịp thời; hạn chế di chuyển khi không cần thiết. Hãy bảo vệ bản thân và cộng đồng để vượt qua mùa dịch an toàn!

* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

KHÁNH NGÂN thực hiện

;
;
.
.
.
.