Người dân chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm múa, nhiều người dân chủ động đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tại các trung tâm tiêm chủng trên địa bàn thành phố, lượng người đến tiêm tăng mạnh.

Nhân viên Phòng khám đa khoa (CDC thành phố) tiêm vắc-xin phòng cúm mùa cho người dân. (Ảnh chụp sáng 10-2) Ảnh: LÊ HÙNG
Nhân viên Phòng khám đa khoa (CDC thành phố) tiêm vắc-xin phòng cúm mùa cho người dân. (Ảnh chụp sáng 10-2) Ảnh: LÊ HÙNG

Chủ động phòng bệnh

Sáng 10-2, tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu (quận Thanh Khê), lượng người đến tiêm vắc-xin phòng cúm đông. Nhân viên cho hay, cuối tuần, lượng người đến tiêm vắc-xin đông hơn, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi; trung tâm gần như kín chỗ, người dân phải ngồi đợi ở sảnh. Hiện trung tâm sử dụng 3 loại vắc-xin của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc. Giá tiêm các loại vắc-xin trên không thay đổi, dao động 330.000 - 335.000 đồng/mũi.

Ông H.M.T (54 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết, qua nghe thông tin, biết bệnh cúm đang diễn biến hết sức phức tạp, ông chủ động đưa con gái đi tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt khi con thường xuyên tiếp xúc với nhiều người qua các hoạt động đi học, đi chơi. Dù đến trung tâm từ hơn 10 giờ sáng, nhưng phải mất hơn 30 phút ông mới được gọi tên để tư vấn.

Hơn 9 giờ sáng, tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Khê, một người dân bốc số thứ tự 1.078 phải chờ lâu mới tới lượt. Đối tượng tiêm phòng chủ yếu là trẻ em từ 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và người trên 65 tuổi. Chị N.T.L.N (36 tuổi, quận Thanh Khê) chia sẻ, chị phải chờ gần 40 người nữa mới tới lượt nên đành cầm số thứ tự và dẫn con về nhà. Cũng tại thời điểm đó, chị H.A (quận Hải Châu) phải đợi hơn 30 phút mới được tư vấn về các loại vắc-xin.

“Tranh thủ ngày cuối tuần, gia đình tôi đi tiêm phòng nhưng do quá đông người, chúng tôi đành phải quay về. Mặc dù đến trung tâm từ 8 giờ sáng đầu tuần, nhưng bên trong vẫn rất đông. Chúng tôi phải ngồi chờ khá lâu mới được tư vấn”, chị A. chia sẻ. Nhân viên tư vấn cho biết, hiện trung tâm có đủ số lượng và các loại vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm của người dân với giá thành không thay đổi. Giá tiêm các loại vắc-xin phòng cúm (Pháp, Hà Lan) khoảng 356.000 đồng/mũi.

Tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Khê, hơn 9 giờ sáng, nhiều người đến tiêm vắc-xin phòng cúm. Ảnh: KHÁNH NGÂN
Tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Khê, hơn 9 giờ sáng, nhiều người đến tiêm vắc-xin phòng cúm. Ảnh: KHÁNH NGÂN

Đáp ứng đủ nguồn vắc-xin phòng cúm mùa

Ngoài các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, số lượng người dân đến tiêm phòng, trong đó có vắc-xin cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố tăng đột biến. Chỉ trong sáng 10-2, Phòng khám đa khoa (CDC thành phố) tư vấn, khám sàng lọc và tiêm vắc-xin phòng bệnh cho hơn 200 trường hợp, trong đó hơn 50 người tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Bế đứa con 1 tuổi chờ đến lượt tiêm vắc-xin, chị Lê Thị Tuyết (quận Sơn Trà) chia sẻ, nghe thông tin dịch cúm mùa đang diễn biến phức tạp và một số trường hợp có biến chứng nặng nên tôi tranh thủ xin nghỉ buổi làm để đưa con đến đây tiêm vắc-xin…

Theo ghi nhận tại CDC, dù số lượng đông hơn nhiều so với những thời điểm trước nhưng người dân không phải chờ đợi lâu, nhiều trường hợp chỉ mất khoảng 15 phút đã hoàn thành việc tiêm chủng. Đang ngồi đợi theo dõi sau tiêm, anh Nguyễn Cang (SN 1977, huyện Hòa Vang) cho biết: “Do có bệnh nền hen suyễn, nên khi biết thông tin dịch cúm mùa đang tăng cao, tôi chủ động đến CDC thành phố để đăng ký tiềm vắc-xin phòng ngừa. Dù người dân đến tiêm đông nhưng cũng không phải chờ đợi lâu. Từ bấm số thứ từ đến tư vấn, khám sàng lọc và tiêm, tôi chỉ mất khoảng 15 phút”.

Trong khi đó, bà Võ Thị Cẩm (SN 1961, quận Thanh Khê) chia sẻ, do bản thân tôi có bệnh nền nên mất nhiều thời gian ở khâu tư vấn và khám sàng lọc. Dù có lâu hơn so với những người khác, nhưng tôi cũng chỉ mất khoảng 40 phút cho các công đoạn. Sau tiềm, tôi đợi theo dõi khoảng 30 phút nữa là có thể về.

Theo CDC thành phố, trong những ngày qua, đặc biệt 2 ngày cuối tuần, Phòng khám đa khoa ghi nhận số lượng người dân đến tiêm phòng, đặc biệt là tiêm vắc-xin cúm mùa tăng nhiều lần so với trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân đã chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình trước tình hình dịch cúm mùa đang lan nhanh. Trong đó, nhiều phụ huynh đã tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vắc-xin cúm trước khi trở lại trường học sau đợt nghỉ Tết Ất Tỵ 2025. Ngoài ra, nhiều người lớn, nhất là những người có bệnh nền cũng chủ động đi tiêm vắc-xin cúm và các loại vắc-xin phòng bệnh hô hấp khác.

Bác sĩ Trương Tấn Nam, Trưởng Phòng khám đa khoa (CDC thành phố) cho biết, từ ngày 3 đến 7-2, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiêm khoảng 45 mũi vắc-xin cúm mùa. Tuy nhiên, trong 2 buổi sáng cuối tuần (8 và 9-2), đơn vị tiêm khoảng 300 mũi vắc-xin cúm mùa cho người dân.

“Hiện đơn vị có 3 bàn tư vấn và 2 bàn tiêm. Trung bình mỗi bàn tiêm 150-200 mũi/ngày. Nếu số lượng đông, đơn vị sẽ tăng cường thêm nhân lực và bàn tiêm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêm chủng, cũng như không để người dân phải chờ đợi lâu”, bác sĩ Nam thông tin. Hiện nay CDC đáp ứng đủ 4 loại vắc-xin phòng cúm mùa (Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Việt Nam). Trong đó, loại vắc-xin của Việt Nam và Hàn Quốc có giá khoảng 245.000 đồng/mũi, loại vắc-xin của Pháp và Hà Lan có giá khoảng 370.000 đồng/mũi.

Cúm mùa là dịch bệnh thường xuyên xuất hiện hằng năm, với nhiều chủng loại khác nhau. Vì vậy, người dân, nhất là những người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em nên tiêm vắc-xin cúm nhắc lại mỗi năm một lần. Cùng với đó, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa khác, như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước khử khuẩn. Theo Sở Y tế, hiện nay có rất nhiều đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin; đồng thời, lượng vắc-xin phòng cúm mùa trên địa bàn thành phố luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân và giá được niêm yết rõ ràng. Vì vậy, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm mùa nhưng cũng không quá lo lắng. 

Đảm bảo có đủ thuốc điều trị cúm

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm. Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵng sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Các đơn vị sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. (G.P)

LÊ HÙNG - KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.