Có tận mắt chứng kiến công việc hằng ngày của những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố mới thấy hết những khó khăn, sự hy sinh thầm lặng của nghề y. Không chỉ là người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, họ còn là người thân, người bạn đồng cảm, thấu hiểu và hỗ trợ, san sẻ nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần với người bệnh.
![]() |
Bác sĩ Đào Trọng Đức luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm, không ngại khó, ngại khổ, gần gũi và chăm sóc chu đáo cho từng người bệnh. Ảnh: LÊ HÙNG |
Hết lòng vì bệnh nhân
Có thể khẳng định, cuộc chiến giành sự sống cho người bệnh từ tay tử thần chưa bao giờ dễ dàng với các y, bác sĩ. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao y đức, y đạo những người thầy thuốc trên địa bàn thành phố còn luôn tích cực trau dồi kiến thức, triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại trong chuyên môn.
Việc bác sĩ Đào Trọng Đức, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm, không ngại khó, ngại khổ, gần gũi và chăm sóc chu đáo cho từng bệnh nhân, cố gắng đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất đã không còn là chuyện xa lạ đối với đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân.
Ngoài việc luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với người nhà bệnh nhân, bác sĩ Đức còn tận tình chăm sóc, hướng dẫn kỹ lưỡng chu đáo cho người bệnh, tạo niềm tin để người bệnh yên tâm điều trị. Cũng như tích cực tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về vật chất và tinh thần để họ vững tin và an tâm khi điều trị tại khoa. Bác sĩ Đức và đồng nghiệp thực hiện tốt quy trình “Báo động đỏ toàn viện” trong công tác cấp cứu; áp dụng nhiều kỹ thuật hồi sức tích cực hiện đại nâng cao để cấp cứu và hồi sinh sự sống cho nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, nhận xét: “Bác sĩ Đào Trọng Đức cùng tập thể khoa cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng; đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh. Đồng thời, áp dụng được nhiều kỹ thuật cao, cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch, cận kề cái chết như: ECMO, siêu lọc máu, hạ thân nhiệt… Đặc biệt, bác sĩ Đức điều trị và cứu sống nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 trên nhiều bệnh lý nền”.
Ngoài công tác chuyên môn, các bác sĩ còn có sự đồng cảm với nỗi đau bệnh tật, chú ý tìm hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần cho bệnh nhân, mang lại niềm vui, niềm tin yêu lạc quan trong cuộc sống cho người bệnh…
Là Trưởng khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), bác sĩ Nguyễn Văn Liên đã thực hiện thành công hàng nghìn ca phẫu thuật phức tạp trong lĩnh vực ngoại khoa ung thư đầu- mặt - cổ, cứu sống nhiều bệnh nhân trở về từ lằn ranh sinh tử…
Với áp lực rất cao, những ca phẫu thuật xuyên trưa, những bữa cơm ăn vội giữa các kíp phẫu thuật, nhưng bác sĩ Liên vẫn miệt mài với công việc. Bác sĩ Liên luôn say sưa làm việc mỗi ngày để giúp bệnh nhân được phẫu thuật sớm hơn, giảm ngày nằm viện từ đó giảm kinh phí điều trị cho người bệnh. Bên cạnh trình độ chuyên môn cao, bác sĩ Liên còn là người giàu lòng nhân ái, hết lòng yêu thương người bệnh, luôn đặt lợi ích, quyền lợi bệnh nhân lên hàng đầu. Đặc biệt, bác sĩ Liên luôn quan tâm đến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân yếu thế tại khoa, chỉ đạo sâu sát mạng lưới công tác xã hội tại khoa tìm hiểu hoàn cảnh và đề xuất tổ công tác xã hội để hỗ trợ kịp thời cho người bệnh.
Thầm lặng giúp đời
Cùng với đội ngũ bác sĩ, nhân viên điều ở các bệnh viên luôn lặng thầm giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân. Những gương mặt như: điều dưỡng trưởng Vũ Thị Thanh Tâm, Khoa Nội I (Bệnh viện Phổi Đà Nẵng), Đặng Thị Kim Thu, Khoa Ngoại tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng); Kiều Thị Minh Yên, Khoa Sơ sinh cấp cứu - Hồi sức tích cực và bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản - Nhi)… luôn được người bệnh, người nhà bệnh nhân hết sức tin tưởng, quý mến, coi như người thân của mình.
Không chỉ chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình, chu đáo, nhiều người trong số họ còn chia sẻ cả nguồn máu nóng của mình cho bệnh nhân nguy kịch. Ngoài ra, nhiều anh, chị trong số họ đã tận tay đi xin những phiếu ăn, suất cơm từ thiện cho bệnh nhân và người nhà hay kêu gọi quyên góp từ các mạnh thường quân và việc ủng hộ người bệnh nghèo trong thời gian nằm viện, hỗ trợ một phần chi phí điều trị.
Làm việc trong bộ phận huyết học - truyền máu, nhận thấy sự cấp bách và tầm quan trọng của việc cung máu và tiểu cầu kịp thời cho người bệnh, kỹ thuật y Hồ Phú, Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Phụ sản - Nhi), luôn tích cực trong phong trào tham gia hiến máu tình nguyện, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp nhằm kịp thời cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đến nay, anh Phú hơn 20 lần hiến máu tình nguyện.
Không chỉ đóng góp cá nhân, anh Phú còn tích cực vận động, kêu gọi tình nguyện viên hiến máu, tiểu cầu trong các trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, anh còn là thành viên nòng cốt trong đội lấy mẫu lưu động theo lệnh điều động của Sở Y tế.
Trong những năm qua, kỹ thuật y Lê Thị Hồng Nhung, Khoa Phục hồi chức năng nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố) can thiệp và chăm sóc cho hàng trăm trẻ em mắc các hội chứng như: rối loạn phổ tự kỷ, tăng động - giảm chú ý, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển tâm thần trí tuệ, trẻ bại não, chậm phát triển vận động. Hằng ngày, chứng kiến những khiếm khuyết của trẻ em và những khó khăn mà cha mẹ trẻ phải trải qua, chị Nhung luôn có sự cảm thông và thấu hiểu; muốn góp phần sức lực đồng hành cùng gia đình và bệnh nhi trên con đường đưa các con trở lại hòa nhập cộng đồng.
Ngành y tế thành phố cũng có rất nhiều tấm gương sáng làm công tác thầm lặng phía sau gường bệnh. Trong hơn 28 năm công tác trong ngành y, hộ sinh trưởng Trần Hoàng Sương, Khoa Chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản - Nhi) đã cống hiến hết mình, nhiệt tình trong công tác, luôn có ý thức phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo. Đồng thời, chị Sương luôn chủ động tư vấn bệnh nhân khám sàng lọc, siêu âm; phát hiện, theo dõi những dị tật bẩm sinh của thai nhi ở những thai nghén có nguy cơ cao, được người nhà và bệnh nhân tin tưởng…
Mỗi người một câu chuyện, một nỗi niềm riêng nhưng điểm chung ở những thầy thuốc, điều dưỡng, kỹ thuật y là niềm vui được cứu sống, chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Những bông hoa đẹp của ngành y tế Đà Nẵng, dù có vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng khi đã chọn nghề y, họ đã vươt lên tất cả với một tấm lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến và đặc biệt với cái tâm sáng của mình vẫn đêm ngày miệt mài làm việc, hồi sinh lại cuộc đời cho biết bao nhiêu người.
Còn rất nhiều những tấm gương khác vẫn ngày đêm đang cống hiến hết mình cho ngành y, cho người bệnh. Họ sáng ngời như màu áo blouse trắng, luôn vượt qua những khó khăn, cống hiến hết mình để mang lại niềm tin cho cuộc đời.
LÊ HÙNG