Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi

.

Trước tình hình dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng, ngành y tế thành phố tích cực triển khai công tác thu dung điều trị và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi.

Y bác sĩ Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) thăm khám và tư vấn sức khỏe trường hợp nghi mắc bệnh sởi (ảnh chụp sáng 17-3). Ảnh: LÊ HÙNG
Y bác sĩ Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) thăm khám và tư vấn sức khỏe trường hợp nghi mắc bệnh sởi (ảnh chụp sáng 17-3). Ảnh: LÊ HÙNG

Nhiều trường hợp nhập viện

Sở Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến ngày 15-3, Đà Nẵng ghi nhận 2.218 trường hợp nghi sởi. Các trường hợp nghi ngờ mắc sởi đều được xử lý, đáp ứng các biện pháp phòng, chống dịch như một ca dương tính với sởi. Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị thu dung điều trị cho hơn 1.300 trường hợp nghi mắc sởi và xác định mắc bệnh sởi, trong đó có 12 trường hợp thở máy, 14 trường hợp thở CPAP và 93 trường hợp thở oxy. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám 40-70 trường hợp nghi mắc bệnh sởi (gần 50% đến từ tỉnh Quảng Nam); trong đó có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú.

Nếu như những ngày cuối tháng 2-2025, Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) điều trị nội trú mỗi ngày dao động 100 trường hợp nghi mắc bệnh sởi và xác định mắc bệnh sởi thì đến nay, con số này đã tăng hơn gấp đôi. Theo Khoa Y học nhiệt đới, những ngày qua số bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị nội trú tăng cao. Trung bình mỗi ngày, khoa điều trị nội trú cho khoảng 200 bệnh nhân (trường hợp ngoại tỉnh chiếm hơn 30%).

Trong ngày 14-3, khoa điều trị nội trú cho 218 ca; ngày 17-3, điều trị nội trú cho 242 ca, trong đó nhiều trường hợp phải thở máy, thở oxy và hỗ trợ hô hấp. Đa phần trường hợp bị nặng đều chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chia ra 3 khu điều trị bệnh sởi. Theo đó, đối với những trường hợp nhẹ và trung bình được điều trị tại cơ sở của Khoa Nhi tự nguyện; những trường hợp trung bình và nặng được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới và trường hợp nguy kịch được điều trị tại Khoa Hồi sức nhi.

Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ tình hình dịch bệnh và thu dung điều trị các trường hợp sởi, nghi sởi tại đơn vị để chủ động, quyết định điều tiết số lượng giường bệnh, chức năng thu dung điều trị giữa các khoa, phòng điều trị nội trú, bảo đảm khu vực, số giường điều trị bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm chéo bệnh sởi trong thu dung, điều trị.

Đồng thời, bảo đảm khu vực điều trị, thuốc, dịch truyền, nhân lực và các điều kiện liên quan thực hiện công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi theo quy định. Duy trì công tác hội chẩn, chuyển viện, không để xảy ra chuyển viện muộn hoặc chuyển viện không đúng để xảy ra biến chứng, tử vong hoặc tăng nguy cơ bùng phát dịch tại các bệnh viện. Đặc biệt, giao Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để tập trung tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế đến mức tối đa xảy ra tử vong.

Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Trước tình hình trên, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố chủ trì, phối hợp trung tâm y tế các quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, đề xuất nhu cầu số lượng vắc-xin sởi tiêm cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi, trẻ 1 - 10 tuổi để tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố.

Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, bên cạnh yêu cầu CDC thành phố bảo đảm đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, vắc-xin để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo, các ban, ngành liên quan tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng; không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Cũng như, tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo CDC thành phố, ngành y tế đang triển khai cùng lúc 5 biện pháp phòng, chống dịch sởi. Theo đó, tập trung giám sát tình hình dịch, ca bệnh, ổ dịch và tiến hành xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Cùng với đó, rà soát lại đối tượng chưa tiêm chủng để vận động đi tiêm chủng; đề xuất với Bộ Y tế nguồn vắc-xin để tiêm chủng cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống dịch để người dân hiểu được các biện pháp phòng, chống, cũng như lợi ích của tiêm chủng. Thường xuyên đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn các phường, xã để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc CDC thành phố cho biết, căn cứ rà soát đối tượng và dự trù vắc-xin, tiếp nhận vắc-xin phòng bệnh sởi từ Bộ Y tế, đơn vị sẽ cấp phát kịp thời cho các địa phương để triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm và tiêm chủng đầy đủ vắc-xin trên địa bàn các phường, xã theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục khẩn trương đánh giá tình hình diễn biến bệnh sởi tại thành phố và các phường, xã để tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch sởi trong thời gian tới.

“Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi (mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi). Khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Vĩnh khuyến cáo.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
loét tì đè Kaapvaal