Nơi mang lại sự sống diệu kỳ

.

Nhận định đúng đắn, áp dụng kịp thời kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Ecmo), đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao của Bệnh viện Đà Nẵng liên tiếp xử lý thành công nhiều ca bệnh khó một cách ngoạn mục, giúp người bệnh giành lại sự sống diệu kỳ trong cơn nguy kịch và trở về bên gia đình.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tích cực triển khai kỹ thuật Ecmo để kịp thời cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Ảnh: LÊ HÙNG
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tích cực triển khai kỹ thuật Ecmo để kịp thời cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Ảnh: LÊ HÙNG

Trong những ca bệnh được cứu sống thần kỳ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thời gian qua, không thể bỏ qua trường hợp bệnh nhân L.H.D (quận Sơn Trà). Đây là ca bệnh được các y bác sĩ cứu sống bằng thực hiện cấp cứu tuần hoàn Ecmo cho bệnh nhân trong 60 phút.

Cuối tháng 10-2024, trong lúc đang sửa mái tôn, anh D. bị điện giật. Khi xe cấp cứu 115 đến hiện trường, anh D. đã rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Anh được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay lập tức, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc khởi động quy trình báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn Ecmo.

Tuy nhiên, khi vào đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhân đã suy tuần hoàn cấp, suy hô hấp cấp, tổn thương thiếu oxy não sau ngừng tuần hoàn, hiện tượng thoát dịch ra khỏi lòng mạch nặng, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhân được điều trị tất cả các biện pháp hồi sức tích cực hiện đại nâng cao, gồm: Ecmo hỗ trợ tuần hoàn, thở máy hỗ trợ hô hấp, hạ thân nhiệt đưa nhiệt độ toàn thân mục tiêu thấp 33 độ C bảo vệ não bị tổn thương do ngừng tuần hoàn, thay huyết tương, lọc máu liên tục, nội khoa điều trị an thần - giãn cơ, liệu pháp kháng sinh, thuốc vận mạch...

Sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tuần hoàn, cai được Va Ecmo và tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực. Và hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhân cải thiện hô hấp, cai thở máy và được rút nội khí quản. Sau một tháng tích cực điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và xuất viện. Theo bác sĩ Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, đây là ca bệnh rất nặng, tưởng chừng như hết hy vọng ở giai đoạn 24 giờ đầu tiên.

Vậy nhưng, với sự quyết tâm, toàn bệnh viện đã dùng mọi biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành hồi sức tích cực - chống độc để chạy đua với biến chứng bệnh từng giờ, từng phút, cuối cùng bệnh nhân được hồi sinh ngoạn mục từ cõi chết.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân D. rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn gần 60 phút nên thuộc trường hợp “cân nhắc can thiệp Ecmo” do khả năng sống sót rất thấp. Nhưng các bác sĩ vẫn quyết tâm dùng Ecmo, bởi bệnh nhân còn quá trẻ và còn cơ hội hồi sinh tim phổi.

“Đôi khi quyết định can thiệp cho bệnh nhân là linh cảm nghề nghiệp của bác sĩ, và trường hợp này là quyết định đúng. Đây thực sự là một sự hồi sinh ngoạn mục, từ cõi chết trở về. Theo y văn, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 30 phút không hiệu quả thì “coi như kết thúc và thất bại”. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân D. chứng minh rằng nếu được tích cực, đa chuyên khoa, các phương tiện và kỹ thuật hiện đại được áp dụng cùng lúc thì vẫn có thể đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống”, bác sĩ Nhân chia sẻ.

Trước đó, sản phụ N.T.K (huyện Hòa Vang) mang thai đủ tháng, được chẩn đoán bệnh cơ tim chu sinh, huyết áp tụt, tình trạng bệnh rất nặng. Một cuộc hội chẩn giữa Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng nhanh chóng được tổ chức. Theo đó, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, con được theo dõi tại đây và chuyển sản phụ sang Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp.

Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, tim không đập, thở máy, lọc máu, huyết áp tụt. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiến hành can thiệp kỹ thuật Va Ecmo cấp cứu cho bệnh nhân. Xuyên suốt 8 ngày can thiệp, tính mạng bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào sự hoạt động của máy Va Ecmo và các phương pháp hồi sức tích cực kèm theo như lọc móc, thông khí nhân tạo.

Theo lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, đây là ca bệnh hết sức nguy kịch, tim bệnh nhân gần như ngừng đập, nguy cơ rối loạn đông máu cao, biến chứng suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan. Vì thế, trong suốt quá trình thực hiện Va Ecmo, các bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao, điều chỉnh đông máu hằng giờ. May mắn đến ngày thứ 8 can thiệp Va Ecmo, tim bệnh nhân bắt đầu nhúc nhích và cải thiện theo từng ngày. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân giảm dần hỗ trợ và được cai Va Ecmo thành công. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục và xuất viện.

Là người khỏe mạnh, anh N.Đ.P (quận Sơn Trà) không bao giờ nghĩ rằng mình lại rơi vào tình trạng ngừng tim và cận kề cái chết. Trước khi vào viện 1 ngày, anh xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt, kèm đau đầu... Khi vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, anh P. rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Dù được ép tim và sốc điện liên tục nhưng anh P. không tái lập tuần hoàn.

Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viên được kích hoạt, ekip bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và Khoa Ngoại tim mạch quyết định can thiệp bằng kỹ thuật Ecmo cấp cứu để điều trị bệnh nhân. Quá trình thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và kỹ thuật Ecmo diễn ra hơn nửa giờ đồng hồ.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, tim của bệnh nhân P. dần phục hồi, bệnh nhân được ngừng Ecmo, tiếp tục điều trị chăm sóc hồi sức. Bác sĩ Hà Sơn Bình nhớ lại, đây là một trong những trường hợp cấp cứu nội khoa nặng, bệnh nhân trẻ tuổi và tình trạng ngưng tim diễn ra rất đột ngột, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm chẩn đoán được ngừng tuần hoàn, xử lý kịp thời và nhanh chóng.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, áp dụng Ecmo là quyết định rất quan trọng, phải triển khai ngay bởi bệnh nhân bị viêm cơ tim, suy tim nặng, sốc tim đã ngừng tim... tiên lượng lượng cả người bệnh rất khó khăn. Vì vậy, trong giây phút sinh - tử đó, biện pháp can thiệp Ecmo phải được thực hiện ngay lập tức, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời...

Ecmo là công nghệ y học tiên tiến, giúp cứu sống hàng triệu bệnh nhân trong các tình huống suy hô hấp và suy tim cực kỳ nguy kịch. “Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai kỹ thuật Ecmo từ năm 2017, là đơn vị được công nhận thứ 675 trên thế giới triển khai được kỹ thuật này. Qua gần 10 năm triển khai, bệnh viện thực hiện gần 300 ca, trung bình thực hiện gần 50 ca Ecmo/năm, qua đó mang lại cơ hội sống cho các bệnh nhân nguy kịch”, bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.