Phát triển hệ thống y tế chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu người dân và du khách

.

Nhờ định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm qua từng thời kỳ, cùng với sự đầu tư phù hợp các nguồn lực, hệ thống y tế trên địa bàn thành phố ngày càng hoàn thiện với nhiều chuyên khoa, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong khu vực mà còn thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu cho bé gái 14 tháng tuổi bị dị vật đường thở. Ảnh: LÊ HÙNG
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu cho bé gái 14 tháng tuổi bị dị vật đường thở. Ảnh: LÊ HÙNG

Đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh

Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa nam Liên Chiểu, trung tâm y tế 7 quận, huyện và trạm y tế các phường, xã, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 9 bệnh viện chuyên khoa công lập, 4 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương, 7 bệnh viện tư nhân cùng hơn 1.500 cơ sở dịch vụ y tế tư nhân. Theo Sở Y tế, thông qua các đề án đào tạo ekip, chuyên sâu, hợp tác trong và ngoài nước, nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại được ứng dụng, chuyển giao thành công tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu, qua đó, giảm chuyển gửi bệnh nhân lên tuyến trên  và đi nước ngoài điều trị.

Bên cạnh đó, nhờ triển khai hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến dưới, trung tâm y tế quận, huyện được đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật y tế phù hợp và từng bước khẳng định năng lực chuyên môn... Trung bình mỗi năm, hệ thống y tế thành phố thu dung khám, chữa bệnh cho hơn 4 triệu lượt bệnh nhân, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm 30-40%.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, hiện nay, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn được đầu tư mạnh về hạ tầng và trang thiết bị y tế, tạo được niềm tin không chỉ cho người dân Đà Nẵng, mà còn thu hút đông đảo bệnh nhân từ các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến khám, chữa bệnh. Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu triển khai hàng trăm kỹ thuật mới.

Đặc biệt, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu được triển khai, như: ứng dụng hệ thống định vị trong phẫu thuật u não vi phẫu ít xâm lấn; nong van hai lá qua da trong điều trị hẹp van hai lá; phẫu thuật bóc tách động mạch chủ ngực stanford A; tiêu sợi huyết não thất trong xuất huyết não; siêu âm Doppler xuyên sọ; cấy ghép tế bào gốc, cắt u máu, u bạch mạch vùng phức tạp, khó; chẩn đoán đột biến gen trong các bệnh lý về máu; kỹ thuật sinh thiết định vị dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh và một số các phẫu thuật lớn, khó khăn, phức tạp như cắt phổi, cắt u trung thất, cắt khối tá tụy, cắt gan, phẫu thuật cắt vú bảo tồn và tạo hình trong vú phụ khoa...

Đặc biệt, để thu hút du khách đến với thành phố kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế, ngành y tế tập trung phát triển các gói dịch vụ y tế chất lượng cao, phù hợp thời gian lưu trú và lộ trình của du khách. Từ năm 2021 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn thành phố khám, chữa bệnh cho hơn 50.000 lượt khách quốc tế, đây là con số khá cao so với các địa phương trong khu vực miền Trung và cả nước.

Một số khách du lịch trong và ngoài nước đã đến thành phố để thực hiện các dịch vụ y tế như: y học cổ truyền, răng hàm mặt, vô sinh hiếm muộn, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, khám tổng quát; nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, y tế chuyên sâu; y học hiện đại trong tầm soát bệnh, tầm soát ung thư, điều trị bệnh lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

 Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng can thiệp tim mạch cho bệnh nhân tại hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Ảnh: LÊ HÙNG
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng can thiệp tim mạch cho bệnh nhân tại hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Ảnh: LÊ HÙNG

Xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ

Theo Sở Y tế, trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg và Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND phê duyệt hợp phần phát triển y tế giai đoạn 2011-2020 và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030.

Quyết định này vạch ra những bước đi chiến lược trong việc phát triển mạng lưới cơ sở y tế, nhằm tạo ra một hệ thống đồng bộ, cân đối, kết nối hiệu quả giữa các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa, giữa dự phòng và khám, chữa bệnh, giữa y tế công lập và ngoài công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 được xác định là “Xây dựng và phát triển ngành y tế thành phố Đà Nẵng đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của toàn dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển thành phố Đà Nẵng thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, khám, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực và cả nước, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch y tế”.

Trong đó, tập trung đầu tư từ nhiều nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với các chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên các lĩnh vực  y tế và tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết, ngành y tế thành phố không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng” gắn với thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng thành phố y tế thông minh.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ để thu hút các bác sĩ có trình độ cao, đổi mới công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế... Thành phố huy động các nguồn lực xây dựng bệnh viện chất lượng cao và các trung tâm chuyên sâu; phấn đấu phát triển Bệnh viện Đà Nẵng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt, hình thành các trung tâm chuyên sâu thuộc bệnh viện, đảm nhiệm chức năng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và là Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Cùng với đó, xây dựng Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Mắt thành bệnh viện chuyên khoa đảm nhiệm chức năng vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.