Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành y tế thành phố chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống và thu dung điều trị bệnh nhân. Đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin sởi, vắc-xin sởi-rubella; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
![]() |
Bác sĩ Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) thăm khám cho trường hợp nghi mắc bệnh sởi. Ảnh: LÊ HÙNG |
Bảo đảm thu dung, điều trị bệnh
Theo Sở Y tế, từ đầu năm 2025 đến ngày 6-4, Đà Nẵng ghi nhận 3.700 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sởi, trong đó 973 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Do đó, tình hình thu dung điều trị nội trú các ca bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố cũng gia tăng. Trong tháng 3, trung bình mỗi ngày các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 500 trường hợp nghi sởi, sởi điều trị nội trú, tập trung chủ yếu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và hiện nay đang có 317 trường hợp điều trị nội trú mỗi ngày (khoảng 20% bệnh nhân ngoại tỉnh), trong đó có 21 ca bệnh phân loại mức độ nặng (35,9% bệnh nhân ngoại tỉnh).
Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết trước tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục gia tăng, ngành y tế triển khai các hoạt động phân tầng điều trị theo phân tuyến dựa trên mức độ, tình trạng của bệnh nhân. Đồng thời, rà soát, tăng cường các nguồn lực, bổ sung các điều kiện bảo đảm công tác khám, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tại bệnh viện, nhất là khu vực tiếp đón, đăng ký khám bệnh, chờ khám bệnh, khám bệnh, xét nghiệm và khu vực điều trị nội trú.
“Hiện nay, hệ thống khám, chữa bệnh đủ khả năng đáp ứng. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo phân công, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố bố trí sẵn sàng 650 - 700 giường bệnh điều trị nội trú đối với bệnh nhân nghi sởi, sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng. Cùng với đó, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh sởi được bảo đảm”, bác sĩ Tùng nói.
Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ tháng 11-2024 đến ngày 27-3, bệnh viện thu dung điều trị nội trú hơn 1.920 ca bệnh sởi. Hiện bệnh viện có 4 khoa đang điều trị sởi, gồm: Khoa Y học nhiệt đới điều trị sởi mức độ nhẹ, trung bình, cần hỗ trợ thở oxy; Khoa Nhi tự nguyện chuyển sang điều trị sởi mức độ nhẹ; Hồi sức Nhi điều trị các ca bệnh sởi nặng, bệnh suy hô hấp cần can thiệp thở máy, thở CPAP; Khoa Nhi sơ sinh hồi sức tích cực và bệnh lý điều trị trẻ bệnh sởi dưới 29 ngày tuổi từ nhẹ đến hồi sức tích cực.
“Để thực hiện tốt công tác thu dung điều trị và phòng ngừa lây nhiễm chéo, bệnh viện phân luồng bệnh sởi ngay khi vào sảnh chính bệnh viện; triển khai khu cách ly; phân luồng tiếp nhận bệnh nhân. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền...”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cấp phát 6.950 liều vitamin A liều cao cho các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân sởi. Hiện còn 12.800 liều vitamin A liều cao (trong đó 3.650 liều vitamin A 100.000 IU, 7.230 liều vitamin A 200.000 IU); đủ khả năng cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong 6 tháng và tiếp tục dự trù để đề nghị Bộ Y tế cấp phát thêm trong thời gian tới. Cùng với đó, các bệnh viện đã xây dựng quy trình ứng phó khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm từ phân luồng, cách ly điều trị đến kiểm soát nhiễm khuẩn, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh
Qua phân tích bệnh nhân dương tính sởi trên địa bàn thành phố, Sở Y tế ghi nhận 58,6% bệnh nhân là trẻ đến tuổi nhưng chưa tiêm đủ mũi vắc-xin có chứa thành phần sởi; 8,5% bệnh nhân đã tiêm 2 liều vắc-xin phòng sởi... Về tuổi bệnh nhân mắc bệnh sởi, có 12,7% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi; 16,5% bệnh nhân 9-24 tháng tuổi; 21,8% bệnh nhân trên 2 tuổi đến 5 tuổi; 27,2% bệnh nhân trên 5 tuổi - 11 tuổi và 21,7% bệnh nhân trên 11 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, ngày 25-3, thành phố gấp rút, nỗ lực phối hợp các ngành, các địa phương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi tại các phường, xã. Kết thúc chiến dịch đến ngày 31-3 có 21.560 trẻ em 6 - 9 tháng tuổi và trẻ em 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng sởi được tiêm bổ sung (đạt tỷ lệ 96,23%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); trong đó tiêm vắc-xin dịch vụ là 5.909 trẻ. Một số trẻ thuộc diện tiêm trong chiến dịch nhưng chưa được tiêm, do chống chỉ định (7 trẻ) hoặc phải hoãn tiêm đợt này do các bệnh lý và tình trạng sức khỏe (479 trẻ), không đồng ý tiêm (300 trẻ).
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch để khống chế lây lan dịch và giảm tải hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Cũng như, phối hợp các địa phương, trường học tăng tốc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ để phòng ngừa dịch xảy ra. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh sởi tại cộng đồng, nơi tập trung đông người, cơ sở giáo dục; vận động người dân về các khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của tiêm vắc-xin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, nâng cao sức khỏe và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
LÊ HÙNG