ĐNĐT - Tối 20-5, đêm pháo hoa thứ 2 trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2017 đã chính thức diễn ra trong sự chờ đợi háo hức của người dân và du khách.
Đại cảnh Múa Tứ linh. Biểu diễn: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, vũ đoàn Phương Việt cùng các diễn viên TP. Đà Nẵng. Biên đạo: NSND Bạch Hạc – Thiên Lãng – Phan Hoàng – Mai Trung. Ảnh: NGỌC HÀ |
Rút kinh nghiệm tại đêm khai mạc, chương trình nghệ thuật của đêm thi thứ 2 Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 tập trung làm nổi bật chủ đề “Thổ”.
Theo đó, các nghệ sĩ của nhà hát Cung đình Huế với trang phục truyền thống cùng 30 diễn viên của vũ đoàn Phương Việt kết hợp để làm nên một đại cảnh múa Tứ linh thật hoành tráng trên nền nhạc truyền thống.
Màn múa giới thiệu những linh vật đặc sắc của văn hóa Việt đã được dàn dựng công phu và kĩ lưỡng tới từng chi tiết, qua đó thể hiện rõ sự hào hùng, mãnh liệt của tác phẩm.
“Tứ linh có nghĩa là sinh sôi nảy nở, là tượng trưng cho điềm lành, là đất tốt cho phát triển của muôn loài. Đây cũng là điểm nhấn mà chúng tôi muốn làm bật lên tính “Thổ”của đêm diễn thứ 2 này”, biên đạo múa Mai Trung chia sẻ.
Những phần biểu diễn trên nền nhạc sôi động đã cuốn hút toàn thể khán giá. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Bên cạnh đó, màn múa trên nền ca khúc Hồn Đất với sự thể hiện của ca sĩ Phương Anh cũng mang đậm tinh thần chủ đề đêm Thổ. 30 diễn viên múa của vũ đoàn Phương Việt, pháo kỹ xảo cùng với đoàn rước cờ quốc tế và cờ DIFF 2017 hoành tráng giúp phần trình diễn của Phương Anh ghi ấn tượng đặc biệt với khán giả.
Sân khấu hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống là điểm nhấn của đêm Thổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Được trông đợi nhất trong đêm Thổ chắc chắn là ca khúc “Đà Nẵng nàng tiên” do Kasim Hoàng Vũ trình diễn cùng các vũ công của vũ đoàn Phương Việt. Chất rock bẩm sinh, ấm áp đầy nội lực của Kasim Hoàng Vũ sẽ thổi vào ca khúc “Đà Nẵng nàng tiên” một sự mới lạ đầy hứng khởi.
Khi Kasim Hoàng Vũ cháy hết mình trên sân khấu quê hương thì trên mặt sông Hàn, 20 mô hình nổi mở ra những biểu tượng đặc trưng thể hiện tinh thần Thổ, cùng với hệ thống pháo kỹ xảo để làm nên một màn biểu diễn độc đáo.
Về phần trình diễn của các nghệ sĩ nước ngoài, đêm Thổ, các nghệ sĩ đến từ Thụy Sĩ trình diễn kèn sừng - loại nhạc cụ truyền thống của nước Thụy Sĩ. Để chơi loại nhac cụ quá khổ này, nghệ sĩ phải đứng trong khi cây kèn được đặt dài trên đất.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng nghệ thuật thành phố, so với đêm khai mạc, chương trình nghệ thuật đêm 20-5 mới lạ hơn, có điểm nhấn về chủ đề “Thổ” và hội tụ các ca sĩ được khán giả mến mộ, hình ảnh minh họa và ca khúc viết về Đà Nẵng được trình diễn góp phần giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng trẻ trung, sôi động.
"Chương trình nghệ thuật đêm Thổ thực sự mang đến nhiều hấp dẫn cho khán giả. Tuy nhiên, để chương trình nghệ thuật xứng tầm với lễ hội pháo hoa mang tầm quốc tế và làm nổi bật bản sắc văn hóa của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng thì Ban tổ chức cần đầu tư hơn nữa”, một ý kiến nhận định.
Phát biểu tại đêm trình diễn Thổ, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cho biết: "Pháo hoa quốc tế đã trở thành thương hiệu riêng của điểm đến Đà Nẵng và là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” do Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng.
Chính vì lẽ đó, chính quyền thành phố cũng như các đơn vị đồng hành không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sự kiện nhằm đem đến cho khán giả những ấn tượng đậm nét, khó quên.
Khi dư âm của đêm khai mạc chủ đề Hỏa đầy chất lửa chưa kịp khép lại, thì đêm trình diễn hôm nay với chủ đề Thổ hứa hẹn sẽ mang đến những bất ngờ với sự xuất hiện của gương mặt mới - Đội Sugyp Sa đến từ Thụy Sĩ và ẩn số thú vị - Đội Tamakitahara đến từ Nhật Bản. Và chúng ta sẽ lại một lần nữa, được hòa mình trong một không gian đầy quyến rũ bởi sắc màu rực rỡ và âm thanh sôi động.
NGỌC HÀ