Phiên dịch viên tại DIFF 2017: Những nhịp cầu kết nối

.

Để có được những màn trình diễn pháo hoa ấn tượng với hàng ngàn khán giả bên bờ sông Hàn trong suốt Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2017,  không chỉ có sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức hay các đội tham dự mà còn có rất nhiều người thầm lặng cùng góp sức. Cũng như nhiều mùa pháo hoa trước đó, dù không được nhắc đến nhiều nhưng những phiên dịch viên chính là cầu nối, luôn sát cánh để hỗ trợ thông tin cho các đội thi trong những ngày chuẩn bị để có màn trình diễn hoàn hảo nhất.

Các phiên dịch viên đã góp phần không nhỏ trong thành công của các đội tham dự Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017.  Trong ảnh: Nhật Hiền (trái) đang hỗ trợ các phóng viên phỏng vấn đội trưởng đội Trung Quốc.
Các phiên dịch viên đã góp phần không nhỏ trong thành công của các đội tham dự Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017. Trong ảnh: Nhật Hiền (trái) đang hỗ trợ các phóng viên phỏng vấn đội trưởng đội Trung Quốc.

Gần mười ngày sát cánh cùng đội Luiyang Dancing Fireworks của Trung Quốc đã để lại cho Lê Vũ Nhật Hiền (sinh viên năm 4 Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng) nhiều ấn tượng khó quên. Lần đầu tiên làm công việc phiên dịch viên cho một sự kiện lớn như DIFF 2017, Nhật Hiền không tránh khỏi những hồi hộp, lo lắng.

Hiền kể, công việc chính của các phiên dịch viên là hỗ trợ các thành viên trong đội truyền tải thông tin đến với các công nhân thi công ở khu vực bãi bắn trong quá trình chuẩn bị, nên không quản ngại thời tiết nắng nóng hay mưa dầm, các phiên dịch viên luôn có mặt để trợ giúp. Hiền nhớ mãi cảm giác khi ngồi xem màn trình diễn của đội mình phụ trách từ khán đài: “Lúc đó em không còn thấy mình là một phiên dịch viên nữa mà mình như một phần của đội, đến khi màn trình diễn cuối cùng kết thúc thì mới cảm thấy yên tâm phần nào”.

Ngoài phiên dịch ngôn ngữ, các phiên dịch viên còn kiêm rất nhiều việc khác nhau: đồng hành, hỗ trợ cho các đội từ việc liên hệ phương tiện đi lại, giờ giấc ăn uống, mua sắm mũ, nón, sim thẻ điện thoại, kem chống nắng... Làm rất nhiều việc không tên ngoài công việc phiên dịch, cũng như Nhật Hiền, Hà Thanh Minh Tâm, phụ trách đội Nhật Bản cảm thấy học hỏi được rất nhiều điều trong những ngày gắn bó với các thành viên trong đội, đó là sự chỉn chu trong công việc, các kỹ năng mềm, xử lý tình huống.

Theo Minh Tâm, trở ngại lớn nhất với những phiên dịch viên lần đầu đi làm là không biết được hết thứ tự của các công việc trong quá trình chuẩn bị, bên cạnh đó khu vực chuẩn bị pháo rộng, khối lượng công việc nhiều nên các phiên dịch viên phải tự điều chỉnh để biết mình cần ở những khu vực nào để kịp thời hỗ trợ cho các thành viên trong đội.

Cũng nhờ những ngày làm phiên dịch viên cho đội Nhật Bản mà vốn từ về chuyên ngành pháo hoa của Minh Tâm tăng lên rất nhiều. Còn Võ Thị Giang (sinh viên năm 4, khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng), lại cảm thấy những ngày làm phiên dịch cho đội Anh giúp cô có thêm rất nhiều kinh nghiệm từ cách xử lý các tình huống thực tế. Đó là sự chủ động trong công việc để có thể hỗ trợ được các thành viên trong đội một cách tốt nhất.

Suốt 8 mùa pháo hoa, anh Đặng Văn Bình, chuyên viên Trung tâm Phục vụ đối ngoại, Sở Ngoại vụ đã hỗ trợ cho rất nhiều đội thi khi đến Đà Nẵng. Năm nay phụ trách đội tư vấn quốc tế Global 2000, công việc cũng như trọng trách của phiên dịch viên lớn hơn rất nhiều. Không chỉ là những kiến thức về pháo hoa mà còn phải làm tốt nhiệm vụ “cầu nối” giữa các bên một cách tốt nhất, là đầu mối đưa thông tin từ ban tổ chức đến các đội. Chia sẻ, hỗ trợ các bạn trẻ những kinh nghiệm khi phiên dịch để công việc được thuận lợi hơn.

Chính sự nhiệt tình với công việc của các phiên dịch viên đã để lại nhiều ấn tượng với các đội tham dự DIFF 2017, góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, mến khách. Sau cuộc thi, các đội chưa về nước ngay mà còn rủ các phiên dịch viên đi tham quan một số khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng, Hội An...

Theo đại diện Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, các phiên dịch viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin từ các bên liên quan, góp phần quan trọng bảo đảm hiệu quả, tiến độ công việc; vì vậy họ được lựa chọn, tập huấn rất kỹ càng. “Đa số các bạn là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, nên đây là cơ hội lớn để họ cọ xát và rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc trước khi bước vào một môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp”, anh Lê Quang Phúc, chuyên viên Sở Ngoại vụ cho hay.

Bài và ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.