ĐNO - Thời điểm giao mùa, số lượng bệnh nhân nhập viện do bệnh hô hấp tăng đột biến. Người dân cần nắm chắc các khuyến cáo của bác sĩ để giữ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Phó trưởng khoa Khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng), Th.S BS Hoàng Thị Tâm, thời tiết giao mùa dễ gặp các bệnh hô hấp như cảm cúm, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi trở nặng.
Theo BS Hoàng Thị Tâm, trước tình trạng số lượng bệnh nhân tăng đột biến, để tránh lây nhiễm chéo, giảm quá tải tại chỗ, tạo môi trường thông thoáng trong điều trị bệnh, ngoài khu điều trị của khoa, bệnh viện thành lập cơ sở điều trị 2 tại Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng từ khoa Khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng.
Sảnh chờ tại tầng 5 khoa Khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng) đã thông thoáng hơn so với những ngày trước đó. |
Để phòng tránh bệnh, BS Tâm khuyến cáo, người dân phải luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đầu, tay, chân, mặt, cổ. Trước khi ra khỏi nhà vào buổi sáng hoặc buổi tổi, người dân cần khởi động nhẹ để làm ấm cơ thể.
Người bệnh (đang có những triệu chứng ho, đau họng, sốt,…) cần tránh những nơi đông người và thường xuyên mang khẩu trang nếu phải đến nơi đông người.
Ăn chín, uống nước ấm, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Khi xuất hiện triệu chứng đau, cảm, bị sốt siêu vi thông thường, người bệnh phải tự cách ly tại nhà, sau 3 ngày sức khỏe không cải thiện, cần tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Phó trưởng khoa Khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng), Th.S BS Hoàng Thị Tâm thăm khám bệnh nhân. |
Đối với bệnh nhân đã có những loại bệnh mãn tính như viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khuyến cáo nên tiêm vắc-xin cúm hằng năm để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất và tiêm vắc-xin chế cầu 1 lần/năm.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao và bệnh nền nhiều như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản luôn luôn phải có thuốc cấp cứu (thuốc cắt cơn khó thở khi cần) để sử dụng ngay và cần sử dụng thành thạo.
Vào thời điểm giao mùa, trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh hô hấp. Vì vậy, về phía trường học, khi thời tiết quá lạnh, vào giờ giải lao hoặc ra chơi, nhà trường cần khuyến cáo học sinh vui chơi trong phòng học, tránh những vị trí gió lùa và thường xuyên chuẩn bị nước ấm hoặc nước hoa quả ấm để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bảo đảm, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại các phòng học, nhà vệ sinh, khu chức năng của trường.
Nhập viện điều trị từ ngày 18-11 trong tình trạng ho, sốt, cơ thể mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (SN 1969, trú tại quận Cẩm Lệ) cho biết, khi trời trở lạnh, cổ họng bà bỗng dưng thấy đau và xuất hiện những cơn ho liên tục. |
THU DUYÊN - QUỐC CƯỜNG