ĐNO - Trời sầm tối, con thuyền mang số hiệu ĐNA - 90582 do thuyền trưởng Mai Đức Dũng (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cầm lái đưa chúng tôi ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt tăng nhưng ngư dân luôn cố gắng bám biển mưu sinh.
Cùng nhau đánh bắt cá giữa đêm khuya. |
Những thuyền đánh bắt cá tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thường ra khơi vào khoảng 17 giờ chiều thường ngày và sẽ tạm dừng lại ở suối Tiên (quận Sơn Trà) để lấy nước ngọt rồi đi tiếp. Hành trang của những thuyền viên trên tàu khi đi biển là hộp cơm được chuẩn bị trước ở nhà để lót dạ, bữa cơm khuya của họ sẽ tùy sản phẩm đánh bắt được.
Bữa cơm thấm đẫm tình người giữa biển khơi
Đến vị trí đánh bắt phù hợp, ông Dũng neo đậu thuyền rồi bật sáng hết tất cả đèn điện trên tàu để thu hút cá. Trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ đợi cá, những thuyền viên sẽ câu mực để chuẩn bị bữa ăn khuya. Chỉ trong chóc lát, những con mực “giãy đành đạch” lần lượt được câu lên thuyền khiến ai nấy đều phấn khích, tiếng cười nói cũng từ đó mà vang xa khắp một vùng biển trời.
Sau khi chế biến mực, điều đặc biệt trong bữa cơm của chúng tôi là sự thấm đẫm tình đoàn kết của các ngư dân. Điều đó được thể hiện qua việc chèo xuồng đi xin cá. Phát hiện một số tàu bè đánh bắt xung quanh đó, anh Nguyễn Văn Việt (SN 1993, thuyền viên tàu ĐNA-90582) liền chèo xuống nhỏ đến các thuyền để xin một ít cá từ họ.
“Trong lúc chúng tôi chưa kịp đánh bắt cá để ăn khuya, thuyền viên trên tàu sẽ chèo xuồng đến các tàu lân cận để xin sự hỗ trợ thức ăn từ những con thuyền đó. Cũng như chúng tôi vậy, họ sẽ đến thuyền chúng tôi để xin cá khi gặp khó. Dù cho lúc ở trên bờ, chúng tôi có gây gỗ, xích mích nhau đến mấy nhưng khi ra biển thì mọi người đều sẽ tạm gác lại chuyện riêng và giúp nhau khi có thể. Điều này là văn hoá của ngư dân ở nơi đây”, anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ thêm.
Những ngư dân sống tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) trên thuyền chúng tôi theo cùng đều có đến mấy mươi năm tuổi nghề. Đối với họ, biển cả không chỉ là nơi cho họ kinh tế, mà biển cả còn là nhà, là nơi họ thể hiện trách nhiệm với cái nghề cha ông để lại.
“Năm nay là năm thứ 30 tôi gắn bó với nghề biển. Đối với chúng tôi, việc đi biển không chỉ là một việc làm kinh tế, mà đó còn là sự thể hiện trách nhiệm đối với vùng biển của nước nhà. Trong những năm gần đây, giá dầu tăng cao nên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nhưng anh em trên thuyền đã thống nhất với nhau sẽ giảm lợi nhuận để bù vào tiền dầu, dù có như thế nào chúng tôi vẫn sẽ luôn ra khơi, bám biển, giữ vững tình yêu đối với vùng biển nước nhà”, thuyền trưởng Mai Đức Dũng chia sẻ thêm.
Trải qua nhiều giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, không phải là những ngư dân thực thụ, quen thuộc với sóng gió của biển cả nên chúng tôi đã thấm mệt. Tuy vậy, chuyến đi đã để lại những trải nghiệm khó quên, từ việc câu mực thư giãn, ghi lại khoảnh khắc đánh bắt thuỷ hải sản giữa đêm khuya, ngồi trên con thuyền nhỏ chòng chành giữa biển khơi để ăn một bữa ăn tối đạm bạc vội vàng, được trải nghiệm cuộc sống của những ngư dân đánh cá hằng ngày trên biển, tất cả đều mới lạ, thú vị và khó quên.
Bữa cơm từ biển cả được những ngư dân câu trực tiếp trên thuyền. Phần cá nục chiên nước mắm, canh cá là được ngư dân chèo xuồng đi xin từ những thuyền lân cận. |
Người đàn ông phải mang giày cao su vào và đứng trên đòn bẩy để hỗ trợ những thuyền viên kéo lưới đứng ngay đằng sau. |
Tuy là công việc vô cùng nặng nhọc nhưng những ngư dân ở đây vẫn luôn cho thấy sự lạc quan qua những nụ cười. |
Người đàn ông vội lấy áo lau mồ hôi sau nhiều giờ kéo lưới. |
Bình minh ló dạng cũng là lúc những người ngư dân trên thuyền nghỉ tay. |
Thành quả sau một đêm làm việc của các ngư dân. |
Trong lúc tàu trở về bờ, những thuyền viên sẽ cùng nhau phân loại cá ra từng khay để bán. |
Sau một đêm đánh bắt cá, ngư dân vào bờ để bán lượng cá vừa đánh bắt từ tối hôm trước. Đứng ngay cạnh bờ là rất đông thương lái chờ mua. |
Tàu chưa cập bến thì đã có rất đông thương lái chực chờ sẵn ở trên bờ để đợi mua cá. |
CHÁNH LÂM