Không rực rỡ như biển xanh, cát trắng, nắng vàng; không rộn ràng như những lễ hội, những bảo tàng ở Đà Nẵng níu chân du khách bởi sự trầm mặc và chiều sâu văn hóa, lịch sử...
* Bảo tàng Đà Nẵng
Bảo tàng Đà Nẵng. |
Bảo tàng Đà Nẵng thành lập từ năm 1989, được xây dựng mới tại địa điểm số 24 Trần Phú (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Trong không gian trưng bày với diện tích hơn 3.000m2 (3 tầng), bảo tàng trưng bày, giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; trong đó, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng 29-3-1975 đến nay; đặc biệt có nhiều tư liệu hiện vật quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Không gian trưng bày bên trong Bảo tàng Đà Nẵng. |
Bảo tàng Đà Nẵng ngày nay được đầu tư trang thiết bị hiện đại, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, thuyết minh, trưng bày hiện vật, ngày càng khẳng định sức hút với du khách. Riêng năm 2019, Bảo tàng Đà Nẵng đón hơn 350.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm.
* Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Được xây dựng từ năm 1915, cho đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được ví là “viên ngọc quý” của nhân loại, là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật tiêu biểu của nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa qua gần 10 thế kỷ. Các bộ sưu tập chủ yếu được trưng bày tại bảo tàng gồm đài thờ, tượng và phù điêu các vị thần, các linh vật, các vật trang trí phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Chămpa xưa.
Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Tọa lạc tại vị trí thơ mộng bên bờ sông Hàn, ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhìn từ bên ngoài, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nổi bật với các đồ án trang trí mô phỏng kiến trúc các đền tháp Chăm. Các phòng trưng bày hiện tại được đặt theo địa danh nơi các hiện vật được phát hiện hoặc đưa về, bao gồm bốn phòng trưng bày chính: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm - Bình Định. Năm 2019, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đón hơn 300.000 lượt khách đến tham quan.
* Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Chiêm ngưỡng những tác phẩm được trưng bày bên trong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. |
Tọa lạc tại số 78 Lê Duẩn (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hiện đang lưu giữ và trưng bày, giới thiệu đến công chúng hơn 1.000 tác phẩm mỹ thuật hiện đại; các hiện vật mỹ thuật dân gian và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng gồm 3 tầng, có tổng diện tích trưng bày 1.185,5m2 trên diện tích đất 1.875m2, vốn là cơ sở cũ của Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng. Bức tường bên ngoài được xây dựng theo từng khối vuông góc cạnh, khuôn viên trưng bày trồng rất nhiều hoa cỏ, mang đến cảm giác thư thái, thoải mái cho khách trong suốt quá trình tham quan.
* Bảo tàng Khu 5 và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5
Bảo tàng Khu 5. |
Tọa lạc tại số 03 đường Duy Tân (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), Bảo tàng Khu 5 và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 là 2 bảo tàng nằm trong hệ thống bảo tàng và các khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn quốc và hệ thống các bảo tàng quân đội, là trung tâm văn hóa, sinh hoạt chính trị của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bảo tàng Khu 5 thuộc loại hình bảo tàng lịch sử quân sự cách mạng, được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 7-1-1982 với diện tích trưng bày 8.819m2. Tại bảo tàng, có nhiều tổ hợp, hình ảnh, hiện vật quý hiếm được trưng bày kể câu chuyện đầy tự hào của nhân dân Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Một góc ao cá Bác Hồ bên trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5. |
Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Quân khu 5 với 4 phòng trưng bày trên diện tích 700m2, bao gồm 8 chủ đề với nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu khoa học, đã khái quát được toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên bảo tàng còn có nhà sàn Bác Hồ và vườn cây, ao cá, được xây dựng ngày 12-9-1976 thể theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, khu nhà sàn được xây dựng đã tạo ra một không gian vừa thiêng liêng vừa gần gũi, ấm áp hơi thở của Người.
Tại bảo tàng, còn có phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi trang nghiêm để tổ chức các lễ dâng hương, hoa và báo công dâng Bác của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói chung, nhân dân trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên nói riêng.
* Bảo tàng Văn hóa Phật giáo
Một góc không gian trưng bày hiện vật bên trong Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. |
Nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (đặt tại chùa Quán Thế Âm, số 48 Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn), được coi là bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng trưng bày khoảng hơn 500 cổ vật Phật giáo mang phong cách không chỉ Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo một số chuyên gia, bảo tàng có nhiều hiện vật được đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia, như bộ 8 tượng Phật Mật tông được tạc bằng chất liệu đồng xanh và đồng đỏ; tượng Phật Quan Âm làm bằng ngọc tỷ; hai bức tượng Phật bằng hổ phách quý hiếm... Ngoài ra, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo còn trưng bày các hiện vật kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo gồm: Tượng Bồ tát Quan Âm tống tử, Bồ tát Quan Âm cưỡi long ngư, nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Dược Sư, Di Lặc, Phật Bồ Tát Mật Tông, Quán Âm, Chămpa, Di Đà, các chuông đồng, bộ trượng tám thế…
* Bảo tàng Đồng Đình
Bảo tàng Đồng Đình là nơi tái hiện sinh động những giá trị cổ xưa với sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với không gian văn hóa nghệ thuật. |
Nằm trên đường Hoàng Sa, bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Đồng Đình đã trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo cho du khách, nơi tái hiện sinh động những giá trị cổ xưa với sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với không gian văn hóa nghệ thuật. Bảo tàng Đồng Đình là một trong 3 bảo tàng tư nhân trên toàn quốc cho đến nay được cấp phép hoạt động.
Không gian trưng bày bên ngoài tại Bảo tàng Đồng Đình. |
Bảo tàng đang trưng bày, giới thiệu các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 đến 2.500 năm. Những hiện vật gốm cổ đã được giám định, thuộc các nền văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chămpa, Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực.
ĐẶNG NỞ (thực hiện)