25 năm - một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Dường như có hai cách cảm nhận thời gian. Một cách là: Mới chỉ có 25 năm mà bao nhiêu thành tựu. Bao điều diệu kỳ đã diễn ra trên mảnh đất này. Lại một cách nói, cách nghĩ khác: Chưa chi đã 25 năm. Còn bao nhiêu việc chưa làm được, còn bao nhiêu việc phải làm. Cả hai cách nghĩ đều đúng, nhưng cũng đều phải điều chỉnh, cân bằng. Điều quan trọng là một thái độ nghiêm túc nhìn nhận lại quá khứ, và vững tin hướng tới tương lai.
Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY |
25 năm chỉ là con số khô khan, không thể nói hết những gì thành phố chúng ta đã trải qua. Đầy màu sắc, đầy xúc cảm, lúc thăng, lúc trầm, từng “trải qua bao lận đận” như lời một bài hát quen thuộc. Nói xa một chút, về tương lai, con số 25 năm muốn chỉ báo cho mọi người rằng, đây mới chỉ là một - phần - tư - thế - kỷ - đầu - tiên của một trăm năm sắp tới cho bước đường mà thành phố nhất định sẽ phải trải qua, sẽ đi lên, sẽ phải trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xứng tầm với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Chắc chắn các thành phố khác sẽ không dừng lại, cũng sẽ đi lên. Nhưng chúng ta cũng có quyền tự hào, vì Đà Nẵng đủ thế đủ lực để cùng sánh bước với các đô thị trong khu vực và trên thế giới làm đẹp thêm cho hành tinh chúng ta. Con người hôm nay cần làm đẹp hành tinh của mình trước khi nghĩ tới việc bay tới các hành tinh khác.
***
Mùa Xuân 2022 này, vào thời điểm cuối của một phần tư thế kỷ đầu tiên Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, với nhiều thành tựu hiển nhiên đã đạt được, hình như cách so sánh theo kiểu trước - sau để thấy sự trưởng thành lớn mạnh của thành phố đã nhường chỗ cho những suy tư về việc phải làm gì để thành phố tiếp tục hội nhập sâu rộng, xứng tầm một đô thị hiện đại trong 25 năm tiếp theo.
Mặc dù nhiều dự án xây dựng hạ tầng vẫn đang được mở ra; thỉnh thoảng vẫn có một công trình được cắt băng khánh thành, nhưng đã bớt dần cách so sánh chẳng hạn như: trước thì lầy lội, nhếch nhác, giờ thì khang trang, đẹp đẽ; trước thì nhỏ hẹp, nay thì rộng mở thênh thang; và cảm giác ngỡ ngàng của ai đó sau khi đi xa vài ba tháng, lúc trở về đã không nhận ra bởi một tuyến đường mới, một cao ốc mới, một cầu vượt, một đường phố rộng thêm…
Bây giờ, ở một tầm vóc mới, điều được nhắc đến nhiều hơn là thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch như thế nào để hướng tới một thành phố thông minh, một thành phố môi trường, thành phố sự kiện. Sẽ phải làm gì để trở thành một trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, công nghiệp công nghệ cao…, kể cả phải lo tính đến những lĩnh vực mới mẻ và nặng nề hơn như việc tiến tới trở thành trung tâm tài chính với quy mô khu vực như thế nào. Cuộc sống mọi mặt của người dân sẽ bước vào kỷ nguyên số, tương tác trên không gian mạng. Người dân ngoại thành sẽ làm chủ những cánh đồng công nghệ với tư cách người nông dân thông minh.
Cũng ở vào thời điểm mà sứ mệnh văn hóa được tiếp tục đề cao, cùng với việc quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, chúng ta cũng đã và sẽ nói nhiều hơn đến “hạ tầng lòng người”, những vấn đề thuộc lối sống văn hóa, văn minh đô thị; đề cập đến nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị theo hướng các thành phố của những nước phát triển.
Những điều vừa nêu trên đều đã được đề ra trong nghị quyết đại hội Đảng bộ gần đây, đặc biệt là trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trong các nghị quyết, quyết định của Trung ương đối với Đà Nẵng. Nhưng đến mùa Xuân này, dường như có sự giục giã con người nhiều hơn. Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường lan tỏa mạnh mẽ đến từng địa phương, từng đơn vị, từng doanh nghiệp, và từng con người. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn rất tỉnh táo để nhận ra rằng, những thách thức đa dạng, đa chiều vẫn đang còn trước mắt.
Chúng ta nói nhiều về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nhưng đến điểm mốc thời gian này, sau bao nhiêu năm phấn đấu, quy mô kinh tế vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng được đề ra từ vạch xuất phát ban đầu. Vẫn còn chờ đợi có thêm nhiều dự án lớn được đầu tư, nhiều doanh nghiệp lớn có mặt trên địa bàn. An sinh xã hội còn đặt ra những nhu cầu cấp bách, nhất là đối với một bộ phận người dân thu nhập thấp. Trật tự an toàn xã hội vẫn còn những tiềm ẩn. Thách thức an sinh lớn nhất lúc này vẫn là Covid-19 với những biến thể khó lường của nó. Mặc dù chúng ta đang kiểm soát tình hình nhưng rõ ràng, đại dịch vẫn đang bủa vây đời sống cộng đồng, vẫn đang ngăn trở bước đi của chúng ta.
***
Tôi vừa đọc ở đâu đó, rằng trong vài thập niên gần đây, thế giới xuất hiện một cách nhìn từ tương lai để từ đó hoạch định những việc phải làm trong hiện tại. Nghĩa là người ta không muốn chọn chỗ đứng hiện nay để nhìn lại quá khứ và dự đoán tương lai nữa, mà chọn điểm nhìn tương lai để soi chiếu hiện tại, dẫn dắt hiện tại đi nhanh hơn, phù hợp với những yêu cầu của tương lai. Phải chăng đó là một cách nhìn, cách nghĩ thú vị!
Khác với những thế kỷ của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai, đến thời đại công nghiệp lần thứ ba, và nhất là cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, con người có khả năng hình dung khá chính xác về tương lai bằng công cụ kỹ thuật số. Ở thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI này, tương lai hình như đang rất gần với hiện tại, chờ sẵn hiện tại như một vận động viên điền kinh chạy tiếp sức với tốc độ nhanh hơn. Thực ra, không cần đến những tính toán máy móc phức tạp, chính con người hôm nay, với sự nỗ lực bằng bàn tay lao động của mình, với những thành quả cụ thể đã đạt được, mặc cho bao nhiêu lực cản, con người cũng có thể hình dung ra tương lai theo hướng tích cực.
Gần đây nhất, vào những ngày cuối năm 2021, trong buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những đề xuất của Đà Nẵng và cho rằng, những kiến nghị của Đà Nẵng đối với Chính phủ đã thể hiện khát vọng vươn lên của thành phố. Nêu lên những việc cần quan tâm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…; tránh lặp lại những hạn chế trong thời gian vừa qua, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời gợi ý Đà Nẵng phải tiếp tục “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình”. Đó cũng là điều tâm đắc của các thế hệ lãnh đạo thành phố 25 năm qua.
Chúng ta nói nhiều đến nối dài bờ biển, nối dài dòng sông. Chúng ta cũng nói nhiều đến tư duy đại dương, khai thác hướng biển, xây dựng thành phố biển… Nhưng với 25 năm sắp tới, phần đất phía tây thành phố cũng sẽ không thể ngủ yên. Rồi những người chủ của “thành phố thông minh” sẽ đánh thức nó. Mà không chờ đến 25 năm tới. Ngay ở thời điểm hiện tại, sau hơn 10 năm được Chính phủ cho phép thành lập, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, đang có quy hoạch mở rộng thêm các phân khu. Rõ ràng, cùng với du lịch - dịch vụ, công nghệ thông tin đã có nền tảng từ 25 năm qua, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, xã hội số sẽ là hình ảnh của Đà Nẵng trong 25 năm tới.
Chúng ta đã chứng kiến một vệt bờ đông sông Hàn phát triển mạnh mẽ với những khu du lịch dịch vụ hiện đại, thì sẽ chứng kiến một phía tây thành phố với hình ảnh của thung lũng silicon Hoa Kỳ “made in Vietnam”, như trong một đoạn bình luận dưới đây của một nickname (biệt danh) là DaNang mà tôi bất chợt ngẫu nhiên đọc được, xin phép tác giả ẩn danh được chép nguyên văn ra đây: “Khu vực phía tây Đà Nẵng cao ráo, được bao bọc bởi núi đồi chập chùng, nhiều thung lũng bằng phẳng là điều kiện tốt xây dựng các khu công nghiệp công nghệ tập trung kiểu thung lũng silicon San Jose (Hoa Kỳ) vì ở đây rất kín gió nên thời tiết không quá khắc nghiệt. Có một lợi thế rất lớn là cơ sở hạ tầng du lịch, đô thị sẵn có của Đà Nẵng rất tốt, mặt bằng dân trí tương đối cao do hầu như người dân làm việc trong môi trường dịch vụ, du lịch... đã lâu nên dễ tiếp cận với môi trường có yếu tố nước ngoài”.
Nickname DaNang đã gợi tò mò, chắc hẳn đây phải là người rất yêu Đà Nẵng. Có thể đây là một vị lãnh đạo có tầm nhìn xa, hay một người dân bình thường, một kiến trúc sư, hay một nhà khoa học có cái nhìn bạo dạn về tiềm năng phía tây thành phố? Cho dù là ai đi chăng nữa, thì đây là một ý kiến rất đáng quan tâm. Bởi vì ý nghĩ này đã góp phần hiến kế nhằm hoàn thiện bức tranh chung về diện mạo thành phố của chúng ta trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, vào năm 2047, khi mà Đà Nẵng - đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương ở vào độ tuổi 50, như các cụ ta thường nói, là tuổi “tri thiên mệnh”.
BÙI CÔNG MINH