Bức tranh hành chính, dân cư thành phố Đà Nẵng

.

Trong quá trình phát triển, dân cư và dân số Đà Nẵng không ngừng tụ hội và gia tăng. Đà Nẵng đã thực sự trở thành động lực và niềm tin của sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Trung và cả nước trong thời đại mới.

Đà Nẵng khoảng năm 1930.
Đà Nẵng khoảng năm 1930.

Lịch sử tổ chức hành chính

Thời Pháp thuộc, căn cứ Dụ ngày 1-10-1888 của vua Đồng Khánh chấp thuận nhượng một phần đất đai ở ba đô thị Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) chuyển làm nhượng địa cho Chính phủ Pháp, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ra Nghị định chuẩn y vào ngày 3-10-1888. Trên cơ sở pháp lý này, đến ngày 24-5-1889, Toàn quyền Richaud tiếp tục ban hành Nghị định số 236 về thành lập thành phố Đà Nẵng (Municipalité de Tourane).

Trong giai đoạn đầu (1889-1900), thành phố Đà Nẵng gồm 8 xã, thôn, chủ yếu nằm bên bờ tả ngạn và một phần đất ven bờ hữu ngạn sông Hàn. Ngày 16-1-1900, huyện Hòa Vang tách khỏi tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng, do Công sứ - Đốc lý Đà Nẵng cai quản. Đến 15-1-1901, vua Thành Thái xuống Dụ và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành Nghị định ngày 26-1-1901 mở rộng thêm một phần lớn đất đai của 11 xã khác để sáp nhập vào nhượng địa Đà Nẵng, nâng tổng số xã thuộc thành phố lên 19 đơn vị. Đến ngày 19-9-1905, Toàn quyền Đông Dương Broni ban hành Nghị định tách huyện Hòa Vang về lại tỉnh Quảng Nam.

Nhằm tăng cường việc quản lý hành chính và bộ phận dân cư bản xứ chặt chẽ hơn, ngày 7-12-1911, Toàn quyền Albert Sarraut ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tổng Đà Nẵng (canton de Da-nang), do chánh tổng người Việt đứng đầu, cai quản 19 xã. Năm 1917, thêm một xã nhập về tổng Đà Nẵng, nâng tổng số xã trong thành phố lên 20 đơn vị. Nhưng đến năm 1933, một xã bị tách về lại tỉnh Quảng Nam, nên tổng Đà Nẵng còn lại 19 xã, ổn định đến năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đà Nẵng được sáp nhập thêm hai xã Nam Thọ và Hòa Hải của huyện Hòa Vang. Toàn thành phố có 21 xã chia thành 3 khu là Trung, Đông, Tây. Tháng 4-1946, phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố ra nghị quyết phân chia địa giới hành chính thành 7 khu và đặt đảo Hoàng Sa làm xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Nhưng đến 20-12-1946, khi Pháp chiếm đóng trở lại thì chính quyền cách mạng tổ chức thành 3 khu như cũ để tiện việc chỉ đạo. Trong các năm 1948-1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tách một số xã của huyện Hòa Vang để sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng, gồm Mỹ Thị, Bà Đa, Đa Phước, Nước Mặn, Hòa Cường, Khuê Trung, Hóa Khuê. Toàn thành phố chia thành 6 khu, gồm 3 khu nội thành và 3 khu ngoại thành.

Sau Hiệp định Genève, vào tháng 10-1955, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập thị xã Đà Nẵng gồm 3 quận I, II, III với 18 khu phố. Sắc lệnh 162-NV ngày 31-7-1962 chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Cùng với đó, chính quyền cách mạng chia Quảng Nam thành hai tỉnh mới là Quảng Đà và Quảng Nam. Đến tháng 11-1967, Khu ủy V ra quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

Ngày 6-1-1973, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tổ chức lại thị xã Đà Nẵng với 3 quận, 19 phường. Thị xã Đà Nẵng đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng thị xã, gồm 12 ủy viên, do Thị trưởng đứng đầu.

Từ ngày thống nhất đất nước, vào tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định giải thể các khu, hợp nhất các tỉnh ở miền Nam. Theo đó, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày 30-8-1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 228-CP về việc hợp nhất các quận I, II, III thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng.

Đến ngày 6-11-1996, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, đã phê chuẩn việc tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, xếp theo đô thị loại 2, bắt đầu hoạt động từ 1-1-1997. Đà Nẵng có 7 đơn vị hành chính gồm các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1. Đến 29-8-2005, theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, thêm quận Cẩm Lệ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu. Thành phố Đà Nẵng lúc này có 6 quận và 2 huyện, ổn định cho đến hiện tại.

Thành phần dân cư và dân số

Trong quá trình phát triển, dân cư và dân số Đà Nẵng không ngừng tụ hội và gia tăng. Do việc thống kê bị gián đoạn ở nhiều thời điểm, không đồng bộ về số liệu và thiếu thành phần dân cư cụ thể, nên chúng tôi dựa theo trục tài liệu niên giám hành chính được các cơ quan chính quyền công bố từ năm 1889 đến năm 2021, gồm Annuaire de l’Indo-Chine française (Niên giám Đông Dương thuộc Pháp), Hanoi, 1889-1898; Annuaire général de l’Indo-Chine (Niên giám tổng quát Đông Dương), Hanoi-Haiphong, 1900-1925; Annuaire administratif de l’Indochine (Niên giám hành chính Đông Dương), Hanoi, 1926-1943; Annuaire statistique de l’Indochine (Niên giám thống kê Đông Dương), Hanoi, 1913-1946; Việt Nam Niên giám Thống kê, Sài Gòn, 1949-1972; Niên giám Thống kê, Hà Nội, 1990-2020 để cung cấp số liệu một cách hệ thống cho độc giả tiện tham khảo.

Nhìn chung, từ năm 1889 đến năm 2021, bên cạnh đại bộ phận thành phần dân cư là người Việt từ Quảng Nam và các tỉnh lân cận tại miền Trung đến sinh cơ lập nghiệp, ở thành phố Đà Nẵng luôn có sự hiện diện của nhiều người nước ngoài. Trước năm 1945, thành phần người nước ngoài ở Đà Nẵng đông nhất là người Hoa, kế đến là người châu Âu (chủ yếu là người Pháp, người lai Âu, người Đức), rồi đến Ấn Độ và Nhật Bản… Họ nằm trong danh sách đăng ký cư trú, được chính quyền sở tại đưa vào thống kê với tư cách cư dân thành phố.

Ở giai đoạn 1945-1975, người nước ngoài đến Đà Nẵng càng đa dạng, gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Hoa, Ấn, Canada, Philippines, Cam Bốt, Lào, Thái Lan cùng với nhiều nước khác. Số lượng người Việt từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị… đến Đà Nẵng cũng nhiều thêm. Tất cả đã tạo nên một bức tranh dân cư đa sắc màu ở thành phố Đà Nẵng, biến nơi đây thành trung tâm dân cư nhộn nhịp hàng đầu của miền Trung. Sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1997 đến nay, nguồn lao động từ các tỉnh miền Trung và cả nước liên tục đổ đến Đà Nẵng, đặc biệt là từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… Người nước ngoài đến làm việc, sinh sống cũng không ngừng gia tăng, biến Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm đô thị thu hút và dung nạp nguồn nhân lực hàng đầu của Việt Nam.

Đã có rất nhiều người Việt và người nước ngoài gặt hái được những thành quả tốt đẹp tại Đà Nẵng, vừa phát triển sự nghiệp bản thân vừa góp phần thúc đẩy sự mở rộng và vươn lên của thành phố, và tiến đến định cư lâu dài với tư cách là công dân của đô thị này. Đà Nẵng đã thực sự trở thành động lực và niềm tin của sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Trung và cả nước trong thời đại mới.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
;
.
.
.
.
.