Nếu chọn một con đường đẹp nhất thành phố, bạn chọn con đường nào? Tưởng dễ, hóa ra khó. Thì ra đẹp và chưa đẹp, bần thần nỗi nhớ trong chơi vơi hoài niệm, với những con đường có lẽ phần nhiều là từ kỷ niệm hơn là những rộng dài, nhộn nhịp hay thưa thớt cửa nhà.
Ảnh: XUÂN SƠN |
Có khi nào nhẩm tính bạn đã đi được bao nhiêu cây số trong đời? Nếu nối lại những đoạn đường mình đi có khi dài bằng nửa đường kính trái đất. Bao nhiêu nơi ta đã đến, bao nhiêu điểm khiến lòng mình lưu luyến, khó mà nhớ hết. Y khoa khuyên mỗi ngày đi bộ ít nhất phải trên 5.000 bước. Đi bộ là một công việc mà nếu biết chắt chiu, ta sẽ đủ số lượng mà sức khỏe đòi hỏi mỗi ngày.
Cuộc sống bận rộn trăm điều, yoga mỗi sớm như một an ủi rằng mình làm đủ để giữ gìn sức khỏe thay cho việc đi bộ mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà ít nhớ về những con đường? Nhìn những tấm ảnh rợp lá vàng nhuộm ửng cả hoàng hôn trên những con đường, cảm thấy dâng lên biết bao cảm xúc. Ước chi thành phố mình…
Có dịp đến một nơi nào đó, điều gì khiến mình trầm trồ? Nhiều thứ, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những hàng cây. Cây tạo ra ngạc nhiên của sự lắng đọng, nội tâm. Người ta nói hồn của phố là những hàng cây, chính cây trong thành phố làm ra hình ảnh thi ca của những con đường. Hoa phượng (Hải Phòng), hoa sữa và những hàng sấu (Hà Nội), lá me (Thành phố Hồ Chí Minh), Huế là những xanh tươi dọc theo hai bờ sông Hương… Chính màu đỏ của phượng vĩ, mùi nồng nàn hoa sữa đã làm nên những khắc khoải cũng như nội tâm của những con đường hoài niệm.
Bạn nhớ đến Huế bởi dáng vẻ thâm trầm và cả những hàng cây xanh um theo phố, theo sông. Bạn nhớ đến Hội An, dĩ nhiên có cái cổ kính mấy trăm năm thương cảng, nhưng ấn tượng nhất nơi vùng đất sông Hoài ấy chính là bạt ngàn những màu vôi vàng đã trở thành khắc khoải. Với Đà Nẵng có lẽ là những cây cầu. Mới ngày nào, cứ vài ba năm ta khánh thành một cây cầu, một con đường lớn. Những vòm cầu như những con dấu đỏ thắm đóng trên những trang giấy viết nên bài thơ của lòng tự hào thành phố này đáng đến, đáng sống.
Chất lượng và “đẳng cấp” của một đô thị có yêu cầu tỷ lệ cây xanh trên đầu người. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh/người của Việt Nam vào loại thấp nhất, bình quân 2,5m2/người (1/5 mức bình quân thế giới), trong khi các thành phố khác như Singapore 30,3m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41m2/người. Mức tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên đường phố Đà Nẵng cây xanh chưa nhiều, lại thêm mỗi năm hứng chịu thiên tai bão lũ, tán cây mới kịp giao cành thì phải cắt bỏ. Theo một tính toán, hiện Đà Nẵng có tỷ lệ bình quân khoảng 7m2/người, tính luôn cả cây xanh của rừng Sơn Trà. Chuyện cây xanh trong thành phố là chuyện lớn, giống như cây xanh của mỗi ngôi nhà làm nên đẳng cấp của nơi ở. Những con đường có cây xanh ở các đô thị lớn thường có giá trị cao hơn.
Hai mươi lăm năm “ra riêng”, Đà Nẵng từ chỗ chỉ xấp xỉ 600 con đường có tên, nay đã gần 2.000. Từ chỗ gần như chỉ có một cây cầu cũ kỹ, nay rộng dài thênh thang với cả chục cây cầu mà dáng vẻ của nó trở thành lời nhắc da diết cho khách phương xa tìm nơi chụp ảnh. Hồi chưa xảy ra Covid-19, bạn xa đến khoe đêm qua ra bờ sông đợi đến giờ để nhìn cầu Sông Hàn... quay. Có thể vì quen nên mình không để ý, nhưng với du khách, điều ấy có thể là một điểm để nhớ cho cả chuyến đi.
Làm sao để mỗi con đường có hồn, có thương có nhớ? Tôi cứ nghĩ về cây mù u và cây mai vàng. Hồi đi học có nghe thầy giáo kể chuyện theo kiểu “ngoài chính sử” về những cây mù u trong thành phố, chuyện quân triều Nguyễn lấy hột mù u đánh Pháp chắc là thêm thắt, nhưng những hàng mù u trong thành phố là có thật.
Hoa mù u không đẹp, trái mù u không ăn được nhưng những hòn bi bằng cái loại trái tròn quin ấy đã lăn tròn trong biết bao thế hệ học trò thuở trước. Qua thực tế thổ nhưỡng, mù u đã từng thích nghi vùng đất này. Chọn vài tuyến đường, trồng mù u để không chỉ gợi hoài niệm về một thời đánh giặc, biết đâu trong những nỗi nhớ ta gặp lại “bướm vàng đậu trái mù u…”.
Nhiều lần tôi nghe về mong muốn thành phố có những tuyến đường có những loài cây làm nên vẻ riêng cho mình. Cũng chỉ là gợi ý và mong ước, theo đó thành phố chọn một số tuyến đường trồng tuyển một thứ mai ta, để đến tết rực rỡ những triền vàng tươi. Thành phố này sẽ đẹp, những đường mai sẽ là điểm check-in độc đáo.
Biết đâu trong nỗi nhớ của người xa xứ sẽ đầy đặn một màu đằm thắm của mai vàng ngày tết. Và thêm nữa, có thể là một vùng nào đó phía nam hoặc phía tây, ta trồng lại những hàng mù u. Cái màu xanh nghịt đậm đà sẽ không chỉ làm nên kỷ niệm, mà còn gợi nhớ câu chuyện đáng nghĩ về một thời đánh giặc chưa xa. Hồn của phố từ những hàng cây. Điều đó có lãng mạn quá chăng?
TRẦN THU THỦY