Tinh thần lạc quan, những việc làm thầm lặng, tận tâm của những “chiến sĩ blouse trắng” đã nhân lên sức mạnh, niềm tin để cùng nhau đẩy lùi Covid-19.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, các y, bác sĩ và nhân viên y tế luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự lạc quan. Ảnh: LÊ HÙNG |
Cuối tháng 7-2021, khi Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố đi vào hoạt động, cùng gần 800 y, bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện trên địa bàn thành phố, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuyền (Bệnh viện Đa khoa Vinmec Đà Nẵng) tình nguyện lên tuyến đầu. Khi biết con gái đăng ký đi vào “điểm nóng”, ba mẹ lo lắng, khuyên nhủ nhưng điều dưỡng Thuyền vẫn lạc quan, tự tin với quyết định của mình. Nơi ấy, đêm cũng như ngày, chỉ có y, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Họ trao nhau những yêu thương, cùng động viên vượt qua gian nan, hiểm nguy và bệnh tật.
“Có thời điểm, bệnh viện phải theo dõi, chăm sóc cùng lúc gần 3.000 bệnh nhân Covid-19. Với số lượng bệnh nhân đông, mỗi bác sĩ điều trị 100-200 bệnh nhân, mỗi điều dưỡng theo dõi, chăm sóc 80-100 bệnh nhân. Mỗi kíp trực phải làm việc liên tục gần 16 tiếng đồng hồ. Để vơi đi nhọc nhằn, lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường quây quần bên nhau cất lên những lời ca, tiếng hát và chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Từ đó, tạo thêm động lực, cùng nắm tay nhau vượt qua vất vả”, điều dưỡng Thuyền chia sẻ.
Đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ bịt kín người là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, tận tâm của những y, bác sĩ với công việc mà họ đã chọn. Những y, bác sĩ, nhân viên y tế xung kích tăng cường hỗ trợ Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố đã góp sức điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19. Những việc làm thầm lặng, tận tâm của những cán bộ y tế làm nhiệm vụ điều trị đã nhân lên sức mạnh, niềm tin để bệnh nhân cùng chiến đấu và chiến thắng Covid-19.
Để thống kê đầy đủ số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố, đội ngũ cán bộ, nhân viên khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (khoa XN-CĐHA-TDCN) thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phải làm việc không mệt mỏi trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng nực. Vất vả, áp lực nhưng tất cả động viên nhau lấy công việc làm niềm vui. Trưởng khoa XN-CĐHA-TDCN (CDC thành phố) Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhớ lại, có những khoảng thời gian, mọi người trong khoa chỉ thay nhau tranh thủ chợp mắt bởi bất kể ngày hay đêm, mọi hoạt động được đẩy lên cao độ, khẩn trương, máy móc và các phương tiện hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.
Trong số gần 40 cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại khoa XN-CĐHA-TDCN, mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng. Có không ít người hoàn cảnh khó khăn, người con nhỏ vừa được vài tháng tuổi, có người cha mẹ già yếu, bệnh tật... Nỗi nhớ cha mẹ, thương chồng con, cán bộ, nhân viên cất giấu vào trong lòng, coi đó là động lực để càng tận tình hơn với công việc, với hy vọng thành phố sớm khống chế dịch bệnh.
Tranh thủ mỗi khi hết ca làm, kết nối cuộc gọi về nhà và nghe vài lời ấm áp từ chồng con, cha mẹ là thỏa nỗi nhớ. “Tất cả mọi người ở đây đều đồng lòng, quyết tâm nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm để làm sao có kết quả chính xác nhất. Không quản ngại đêm hôm, thời gian làm việc kéo dài, áp lực lớn, chúng tôi luôn động viên nhau phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như một cách thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng”, chị Nhàn chia sẻ.
LÊ HÙNG