Phát triển cảnh quan đô thị Đà Nẵng

.

Chất lượng sống tốt cho người dân luôn là mục tiêu của tất cả các đô thị. Để hướng đến mục tiêu này, đã có không ít tiêu chí cụ thể đặt ra tương ứng với từng mô hình xây dựng và phát triển đô thị. Tuy nhiên, giải pháp gì trong tổ chức kiến trúc cảnh quan đáp ứng yêu cầu trên còn chưa đầy đủ, nhất là đối với các đô thị đang trong giai đoạn có tốc độ đô thị hóa cao, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng và hội đủ nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa… là nền tảng quan trọng để phát triển như thành phố Đà Nẵng.

Cảnh quan hai bên sông Hàn. Ảnh:  KIM LIÊN
Cảnh quan hai bên sông Hàn. Ảnh: KIM LIÊN

Nhận diện nguyên nhân từ thực tiễn

Thực trạng các hoạt động tại các khu chức năng của đô thị Đà Nẵng hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tự tạo ra nhiều “năng lượng” để bảo đảm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng vượt bậc; nhịp điệu cuộc sống đô thị chưa đủ năng động xứng tầm một thành phố động lực của khu vực. Qua quan sát thực tiễn, tác giả đúc kết được một số nguyên nhân.

Trước hết, về mặt chức năng, kiến trúc cảnh quan đô thị chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng, các tiện ích phụ trợ cho hoạt động của khu chức năng chính; cảnh quan chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa tạo ra độ “đậm đặc” cần thiết của đô thị trung tâm; giao thông kết nối, lưu tuyến trong khu vực chưa thuận lợi cho việc tiếp cận.

Dưới góc độ thẩm mỹ, nhìn chung chất lượng chưa cao, chưa tạo ra nét đặc trưng từng khu vực cảnh quan, chưa chú trọng yếu tố tạo điểm nhấn không gian cảnh quan nên thiếu sự thu hút, nhất là các yếu tố tạo lập không gian cảnh quan chưa được chú trọng về mặt hình thức, chất lượng và chức năng sử dụng.

Kế tiếp, về yếu tố môi trường, có thể nói kiến trúc cảnh quan hiện nay chưa có sự chú trọng đến việc cải thiện sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu; thiếu không gian xanh, mảng xanh, tuyến xanh trong khu vực nên hạn chế tối đa khả năng cải thiện điều kiện vi khí hậu; chưa có các hình thức che nắng, che mưa cho các khu vực dừng chân, lối đi của bộ hành...; quy hoạch chưa khai thác tối đa các giá trị của mặt nước vốn rất đặc trưng trong tổ hợp không gian cảnh quan của một thành phố ven biển, ven sông.

Giải pháp tạo nên bản sắc đô thị

Để nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan, các giải pháp cơ bản về mặt tập hợp và thu hút cảnh quan cần được triển khai theo những nguyên tắc cụ thể.

Về giải pháp tập hợp cảnh quan, cốt lõi quan trọng nhất là không chỉ tập hợp dân cư (mật độ cư trú) mà còn phải tập hợp con người gắn với hoạt động chức năng đô thị - cảnh quan hoạt động. Khoảng cách giữa các công trình với kích thước phù hợp với tỷ lệ con người là vấn đề rất quan trọng; thực tế cho thấy việc tổ chức cho người đi bộ từ một nơi và có thể đến được những đâu, được trải nghiệm những gì trên hành trình ấy chưa được đặt ra…

Sự tập hợp này được xem xét cụ thể trong từng bối cảnh quy hoạch. Đối với quy hoạch chung, có sự phân tán con người và các hoạt động chức năng rõ nhất, vì nhà ở, dịch vụ công cộng, khu công nghiệp và trung tâm thương mại được bố trí riêng lẻ trên những khu đất lớn trong cơ cấu sử dụng đất, được cách ly theo chức năng và khoảng cách phụ thuộc giao thông kết nối giữa các khu vực này.

Giải pháp quy hoạch này gây ra sự phân tán hoạt động đô thị, cảnh quan đơn điệu với các chức năng đơn lẻ, đây chính là đặc điểm chung của thời kỳ phát triển đô thị trên diện rộng. Việc hình thành quá nhiều khu ở mới dưới hình thức khu tái định cư trên nền tảng thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp, thậm chí phải lấp hồ, gạt núi đã để lại cho tương lai những nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng trước hết là sự buồn tẻ đến mức thiếu sức sống khi đi qua các khu vực này.

Khu đô thị ven biển Đà Nẵng. Ảnh:  XUÂN TƯ
Khu đô thị ven biển Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ

Ngược lại, cơ cấu thành phố cũ có hoạt động chức năng và dân cư được tập hợp đa dạng là yếu tố quan trọng tạo nên sự phồn hoa đô thị, như khu phố Hùng Vương, Bạch Đằng, Trần Phú, chợ Cồn, chợ Hàn... Đối với quy hoạch chi tiết con người và các hoạt động bị phân tán khi vỉa hè quá rộng, khoảng cách đi lại giữa các chức năng quá xa, giao thông kết nối quá dài, tiếp cận không gian cảnh quan khó khăn. Ngược lại, con người và các hoạt động có thể được tập hợp hiệu quả lại khi bố trí nhà và khu chức năng gọn gàng, cự ly đi bộ và các trải nghiệm giác quan ngắn, thông qua một số nguyên tắc cụ thể sau:

Nguyên tắc tổ chức thành phố là một quảng trường có thể tìm thấy qua lịch sử từ các làng cổ nghề truyền thống đến những khu nhà ở hiện đại. Nhà và các lối vào được tập hợp xung quanh một không gian cảnh quan và việc đi dạo từ chỗ này sang chỗ khác cũng giống như bạn bè đang quây quần với nhau quanh chiếc bàn trà. Để tăng khả năng tập hợp có thể làm nhiều lối xuyên tâm đi qua quảng trường, khuôn viên công cộng để mọi người dễ dàng nhìn thấy nhau, thuận tiện đến và đi.

Nguyên tắc tạo ra cơ cấu tuyến tính được cụ thể hóa bằng việc tăng cường mái che cho những đoạn đường phố đi bộ tránh thời tiết mưa nắng. Quy hoạch chung thành phố hiện nay với kiểu pha loãng và lan rộng nên các “phố” đã trở thành các con đường, các “quảng trường” đã trở thành các khoảng đất trống khó nhận diện, hoàn toàn trống vắng, thiếu người đi bộ, thiếu hoạt động xã hội. Các hoạt động cá nhân bị phân tán về thời gian và không gian, vì con phố với mặt cắt lớn ưu tiên giải quyết vấn đề lưu thông xe cộ và quảng trường có kích thước quá lớn so với tổ hợp kiến trúc xung quanh tạo nên cảm giác rất chông chênh.

Nguyên tắc xác định kích thước không gian phù hợp, ở quy hoạch không gian cảnh quan những khu vực quá cỡ sẽ làm phân tán các hoạt động và con người. Trong các bản thiết kế, đường phố thường được tổ chức với chiều rộng theo quy mô số làn xe hoặc quảng trường kích thước các cạnh từ hàng trăm mét tưởng chừng là bình thường, nhưng trong thực tế sử dụng các không gian này, không chỉ là cự ly xa giữa những người từ đầu này đến đầu kia, mà khả năng vừa đi bộ vừa trải nghiệm những gì đang diễn ra ở hai đầu không gian đã bị mất đi phần nào. Thiết kế có thể tập trung hoạt động chức năng nhờ xác định kích thước của đường phố và quảng trường một cách cẩn trọng trong mối quan hệ với tầm nhìn và số người sử dụng không gian.

Về giải pháp thu hút cảnh quan, các không gian cảnh quan có sức hấp dẫn và dễ tiếp cận, hay còn gọi là sự hút vào sẽ khuyến khích người dân tham gia các hoạt động chức năng đô thị từ môi trường công cộng đến khoảng không gian riêng tư. Để có thể thấy cái gì đang diễn ra trong không gian cảnh quan là một yếu tố của sự hút vào.

Chẳng hạn như, nếu trẻ em có thể thấy sân chơi của khu phố từ trong nhà, chúng sẽ thích ra chơi ở ngoài trời hơn là cứ mãi nhốt mình trong 4 bức tường của ngôi nhà “kiểu hộp”; hay CLB thanh niên và các trung tâm cộng đồng với các mảng cửa kính lớn sẽ có nhiều người tham gia hơn vì người qua đường được truyền cảm hứng khi nhìn thấy và cảm nhận sự hấp dẫn của các hoạt động diễn ra bên trong các CLB đó; hoặc các cửa hàng kinh doanh bố trí ở nơi có nhiều người qua lại, sản phẩm trưng bày quay ra nơi đông người qua lại là hết sức quan trọng, quán cà phê mở rộng không gian ra phía vỉa hè luôn hấp dẫn nhiều người tìm đến...

Điều này càng khẳng định, việc hút vào rất quan trọng, một nơi nào đó mà mọi người lui tới một cách tự nhiên, là lý do làm nảy sinh nhu cầu và khuyến khích sự tìm đến. Ở cấp độ thành phố, đó là các bãi biển công cộng, khu phố mua sắm, các gian hàng ẩm thực hay các trung tâm cộng đồng... Ở các khu dân cư, đó chính là các khuôn viên cây xanh, quán cóc vỉa hè, sân tập thể dục - thể thao ngoài trời… luôn đóng vai trò như những điểm đến và duyên cớ cho mọi người tìm đến nhau.

 Vườn tượng APEC mở rộng với diện tích 8.668m2 được đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách và trở thành điểm nhấn cảnh quan mới bên bờ sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN
Vườn tượng APEC mở rộng với diện tích 8.668m2 được đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách và trở thành điểm nhấn cảnh quan mới bên bờ sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Khả năng thu hút cảnh quan được tạo ra cần phải chú trọng đến yếu tố mang lại sự tiện nghi và an toàn cho mọi người. Việc thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhất là vệ sinh dành cho người khuyết tật, thiếu các ram dốc dành cho người già, hay lối dành cho đẩy xe nôi của các bà mẹ… cần sớm được bổ sung trong các không gian công cộng. Điều này sẽ xóa đi tâm lý e ngại của bất kỳ ai mỗi khi muốn tìm đến hoặc quay trở lại. Hay việc phải được an toàn khi tham gia các hoạt động chung cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đơn giản như việc dành riêng lối đi bộ, xe đạp, đèn tín hiệu cho bộ hành khi băng qua đường trên các tuyến phố du lịch; tình trạng những chiếc cần cẩu vươn ra từ các công trình xây dựng khi thi công treo lơ lửng rủi ro trên đầu trở nên nỗi ám ảnh của mọi người... Tất cả các điều tưởng chừng giản đơn ấy sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu tạo ra sự thu hút của không gian cảnh quan đô thị của thành phố Đà Nẵng.

"Đôi điều suy ngẫm về những giải pháp mang tính gợi mở để ít nhiều góp thêm cái nhìn, thêm dăm ý tưởng trong quá trình tổ chức, nâng cao chất lượng cảnh quan không gian đô thị, ngày càng rõ nét, càng mang dấu ấn, bản sắc của một thành phố đáng sống, đáng nhớ trong lòng người dân và du khách”

KTS. TÔ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.