18 năm ở quê nhà Nghệ An, 4 năm học Đại học Huế, 21 năm sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, khí chất Quảng - Đà tự bao giờ đã thấm đẫm, lan tỏa sang các con khiến cho tình yêu mảnh đất này mỗi lúc một sâu nặng trong tôi.
Ảnh: THANH QUỲNH |
1. Có hai thời khắc mà nỗi nhớ Đà Nẵng thiết tha nhất trong tôi, đấy là đi công tác dài ngày ở nước ngoài và về quê ăn Tết. Rất nhiều lần từ quê vui xuân xong vào lại Đà Nẵng, đúng dịp trời sáng, tôi cứ nghĩ đang lạc vào một thành phố nào đó ở châu Âu. Bởi, vỉa hè sạch sẽ tươm tất. Mưa xuân lất phất trên các phố còn bảng lảng màn sương mỏng, se se lạnh, những cây cầu quá diễm lệ, đích thị là thành phố của tôi trong tương lai.
Lúc đó, những tuyến tàu điện ngầm đã tỏa đi khắp các tuyến, quanh vành đai thành phố, những phương tiện giao thông công cộng chuyên nghiệp, người đi xe đạp nhiều hơn, cây xanh phủ bóng, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ và đặc biệt hai bên bờ sông Hàn, bãi biển Mỹ Khê, Nguyễn Tất Thành được quy hoạch, nâng tầm thật đẳng cấp. Đà Nẵng của tôi lúc đó thực sự là một “thiên đường”.
Có lẽ, hiếm thành phố nào trên cả nước hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát triển toàn diện như Đà Nẵng. Sân bay khá thuận lợi khi chỉ cần vài chục phút là có mặt. Ga tàu lửa nằm trung tâm thành phố. Hai cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu có độ sâu, sự an toàn lý tưởng để đón các bè bạn năm châu. Dòng sông Hàn quá đẹp, nằm sát cửa biển để có thể phát triển du lịch đường thủy. Từ đây, có thể ngược sông Cổ Cò vào khám phá Hội An, đánh thức cảnh quan và phát triển đời sống nhân dân .
Cũng có thể hướng ra biển ngược lên Hải Vân, sông Cu Đê khám phá “sơn cùng, thủy tận”. Thậm chí, băng qua eo Lăng Cô, trực chỉ Cù Lao Chàm đưa du khách kết nối với hai vùng di sản thế giới. Hôm tôi đứng ở sông Tiber (Ý) - dòng sông lịch sử châu Âu, thấy nó cũng không có gì quá nổi bật.
Tôi từng đi thuyền trên dòng sông Seine ở Paris. Phải nói thẳng, dòng sông này không thể sánh với sông Hàn về độ đẹp, rộng, sâu. Nhưng, sự khác biệt là hai bên sông đầy trầm tích. Những cây cầu, những công trình hàng thế kỷ. Nếu muốn phả nhịp sống 4.0, Đà Nẵng có thể quy hoạch con sông của mình theo hướng hiện đại, vạm vỡ như sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc), Châu Giang (Quảng Châu - Trung Quốc), Neva (Saint Petersburg - Nga).
Nhưng dù gì, hai bên sông Hàn cần phải có những công trình kỳ vĩ trăm tuổi. Nói thế để mơ một ngày không xa, dòng sông Hàn cùng hệ thống đường thủy của Đà Nẵng được đánh thức, trở thành mũi nhọn du lịch trải nghiệm mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố.
Nhân nói đến Paris, tôi đã được tận mắt chứng kiến người dân tắm biển nhân tạo. Thường thì mùa hè mỗi năm, chính quyền Paris sẽ chở hàng trăm tấn cát đến đặt bên bờ sông Seine, gần tháp Eiffel, để tạo một bãi biển nhân tạo khổng lồ. Kinh phí vô cùng tốn kém. Sở dĩ thế bởi từ Paris đến các bãi biển không thuận lợi. Nếu dân Paris đến thành phố cảng Saint-Nazaire, phải mất 430km, thành phố này không có sân bay. Chạy xe hơi không đơn giản. Gần hơn, vùng Normandie, cũng xấp xỉ 200km.
Nhưng, điều quan trọng hơn, dù thời điểm này đã là mùa hè, nếu có đến hai vùng biển trên, người dân Paris cũng không thể tắm do nước biển quá lạnh mà chỉ được ngắm và nghỉ dưỡng. Ở các bãi biển miền nam nước Pháp, khí hậu có vẻ tốt hơn nhưng thời gian có thể tắm trong năm cũng chỉ tầm hơn một tháng. Còn quanh năm nước đều cực lạnh. Do đó, người Paris và Pháp thường phải bay sang Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Biển ở châu Âu cũng có thực trạng chung như vậy.
Nhìn ra thế giới để thấy khí hậu Đà Nẵng quá lý tưởng vì ôn hòa, nắng ấm kéo dài trong năm khiến mọi người có thể tắm biển thỏa thích. Tiếc là lâu nay, bãi tắm Nguyễn Tất Thành chưa được khai phá đúng tầm. Trong khi đó Mỹ Khê, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh cũng cần được “khoác” thêm tấm áo chuyên nghiệp. Bãi biển thì đẹp nhưng dịch vụ chưa tương thích cũng khó phát triển. Có nghĩa, Đà Nẵng trong tương lai cần có những sản phẩm du lịch độc đáo hơn nữa, để giữ chân du khách, thay vì khách có xu hướng dừng chân ăn chơi, tắm biển trước khi di chuyển vô Hội An, ra Huế trải nghiệm chiều sâu văn hóa.
Với địa thế lý tưởng, cũng mong sao thành phố bên sông Hàn thu hút được nhiều doanh nghiệp “cá mập” về đầu tư. Dịp đối thoại với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, ông Sơn cũng trải lòng rất thật, Đà Nẵng phải có những “cú đấm kinh tế”, tựa như khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất.
Ảnh: XUÂN TƯ |
2. Có lẽ, đấy cũng là khát khao của người Đà Nẵng bao thế hệ. Làm sao để thành phố thân yêu duy trì nhịp điệu phát triển, cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đấy là những bài toán phải giải.
Dù thế, những thuận lợi hiếm có như đã phân tích ở trên, sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển về đường trường. Bởi, trong 25 năm chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997), thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố bên sông Hàn đã kịp xây dựng những nền tảng cơ bản, từ hạ tầng các lĩnh vực đến chính sách nhân lực, nhân tâm.
Không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng nhiều năm dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), được ghi nhận có hệ giá trị văn minh khá cao trong bức tranh tổng thể. Người dân hiền hòa, hiếu khách, an ninh trật tự bảo đảm, đấy là “quyền lực mềm” của Đà Nẵng mà không phải thành phố lớn nào cũng có được. Tôi dùng từ “văn minh” là vậy, để đánh giá sự khác biệt của Đà Nẵng. Những người nhập cư vào Đà Nẵng cũng được đối xử rất công bằng để gắn bó lâu dài với thành phố “đầu biển, cuối sông”.
21 năm trước, trên một chuyến tàu chở một chàng sinh viên nhà quê vừa tốt nghiệp đại học, cùng chiếc xe đạp cà tàng vào Đà Nẵng lập nghiệp trong điều kiện “thân cô, thế cô”. Lúc đó, khu vực ven biển Mỹ Khê đang hoang vu toàn cát và phi lao.
Vậy mà giờ đây, khu vực này đã vô cùng sầm uất, những cồn cát đã trở nên “tấc đất, tấc vàng”. Ai cũng phải ghi nhận Đà Nẵng phát triển quá nhanh. Chàng trai đó là tôi, nay đã có hai đứa con và được thành phố cho thuê một căn hộ giá ưu đãi, như rất nhiều “cán bộ nghèo” xuất thân từ địa phương khác.
Đấy là cái tình Đà Nẵng, không phải nơi đâu cũng có được. Những lúc Covid-19, mới càng cảm nhận rõ hơn các chính sách nhân văn của Đà Nẵng. Từ việc quan trọng nhất là tiêm vắc-xin đến hỗ trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm, không hề có sự khác biệt giữa người dân địa phương và dân nhập cư. Không ai bị bỏ lại phía sau để phải có những cuộc thiên di về quê trắc trở... Có lẽ nhiều người như tôi, đã cảm thấy Đà Nẵng như quê nhà của mình, khái niệm không gian và khoảng cách không còn nữa.
Ảnh: T.HẢI |
Những buổi chiều chở con đi học về, tôi hay lang thang cùng lũ trẻ ra bờ sông Hàn ngắm cảnh, trong niềm hạnh phúc vô bờ. Con tôi nói giọng Đà Nẵng “đặc sệt”. Nhìn chúng khỏe mạnh, xinh xắn, được hưởng thụ những điều kiện tốt, lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc, hàm ơn mảnh đất đôn hậu này. Và lúc đó, tôi lại mơ về một thành phố trong tương lai khi đã hội tụ đủ “linh khí” sẽ lột xác như Hong Kong, Singapore, Seoul…
Tôi đã từng tâm sự với con (hay với Đà Nẵng) bằng thơ: “...Dòng sông quê của cha/ Vẫn tràn trong kỷ niệm? Dòng sông Hàn của con/ Vẫn ngọt ngào dâng hiến/ Ở nơi kia là biển/ Cạnh con là cửa sông/ Sông biển hòa vào một/ Vẫn thủy chung chờ mong”. “Thời gian trôi qua tôi/ Bao mùa lau tóc bạc/ Sông Hàn đã dang tay/ Nuôi đời cha phiêu dạt/ Cha đã yêu Đà Nẵng/ Như tình yêu các con/ Mai này con khôn lớn/ hãy sống cho vuông tròn (Nói với con).
Bài thơ “Nói với con” này tôi đã phổ nhạc, nhiều lần hát cho bè bạn nghe. Không ít người rất thích bởi có hình bóng của họ trong đó. Nói với con nhưng thực ra như lời dặn lòng mình: hãy sống “vuông tròn” với ân tình Đà Nẵng dành cho tôi, và cho mỗi chúng ta, những công dân Đà Nẵng!
HỮU QUÝ