Tin ở ngày mai

.

Gạt bỏ những nguy cơ thường trực, những khó khăn, gian khổ khi làm nhiệm vụ, y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn giữ tinh thần lạc quan, tin ở ngày mai tươi sáng. Niềm tin ấy được kết tinh bằng trí tuệ, trách nhiệm được xã hội giao phó và là sự rung động của lòng trắc ẩn trước những biến cố của cuộc đời.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (trái) tặng quà cho các bệnh nhân điều trị khỏi Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (trái) tặng quà cho các bệnh nhân điều trị khỏi Covid-19.

Tâm thế sẵn sàng

Bác sĩ Lê Văn Quốc Huy, khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cùng các đồng nghiệp bước vào cuộc chiến chống Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Đội điều tra dịch tễ của bác sĩ Huy luôn có mặt đầu tiên tại những điểm nóng, tiếp xúc sớm nhất với các F0 để điều tra, truy vết. Đà Nẵng trải qua nhiều giai đoạn phòng, chống Covid-19 nhưng theo quan điểm của bác sĩ Huy, đội của anh chỉ có một giai đoạn duy nhất là giai đoạn nước rút, càng sớm hoàn thành nhiệm vụ càng tốt.

“Bọn mình vẫn đùa với nhau rằng, công việc chẳng khác gì các anh công an đang làm nhiệm vụ, cũng điều tra, phân tích rất kỹ từng trường hợp. Dù thời điểm dịch bệnh mới bùng phát hay hàng trăm ca mắc mỗi ngày thì vẫn một công việc ấy: tiếp xúc sớm nhất với các F0 để điều tra dịch tễ, thu thập thông tin, lịch trình đi lại tiếp xúc của bệnh nhân để sớm xác định, khoanh vùng những trường hợp có nguy cơ, từ đó ngành y tế có biện pháp phù hợp theo từng giai đoạn”, bác sĩ Lê Văn Quốc Huy cho biết.

Trong 2 năm chống dịch, bác sĩ Lê Văn Quốc Huy cùng các đồng nghiệp có khoảng 8 tháng được bố trí ở tập trung tại một khách sạn trên địa bàn. Đây là cách làm bảo đảm an toàn cho người thân, đồng nghiệp khi đội điều tra dịch tễ luôn là nhóm có nguy cơ rất cao.

Nhóm bắt đầu một ngày mới từ lúc 5 giờ sáng, khi lãnh đạo ngành y tế quận gửi danh sách những F0 vừa ghi nhận trong ngày. Đội điều tra dịch tễ tỏa khắp các đường cùng, ngõ hẻm, gõ cửa từng ngôi nhà thu thập thông tin. “Ngày nào cũng vậy, khi đồng hồ báo thức vang lên, việc đầu tiên là mở file đọc danh sách những F0 vừa ghi nhận đồng thời cũng hồi hộp xem liệu mình ngày hôm nay có còn an toàn, còn được đi làm nữa hay không. Anh em vẫn đùa nhau như thế”, bác sĩ Huy tâm tình.

Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tặng quà, chúc mừng các bệnh nhân điều trị khỏi Covid-19.
Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tặng quà, chúc mừng các bệnh nhân điều trị khỏi Covid-19.

Nếu không lạc quan, mạnh mẽ đối diện với những nguy cơ luôn hướng về mình, có lẽ đội điều tra dịch tễ không đủ sức khỏe, tinh thần để bám theo hàng ngàn ca mắc Covid-19 thời gian qua, kịp thời phát hiện, can thiệp y tế kịp thời hàng chục ngàn trường hợp có nguy cơ. Bởi theo bác sĩ Huy, nếu mình và đồng nghiệp bỏ sót một mối nguy liên quan F0, có nghĩa một ổ dịch trong tương lai sẽ hình thành và sự an toàn của cộng đồng bị phá vỡ. Chút lắng đọng trong anh chợt đến có lẽ là lúc nhận thông tin một đồng nghiệp trong đội dương tính với SARS-CoV-2 sau những chuỗi ngày làm nhiệm vụ.

Khi F0 xuất hiện khắp nơi và chủng virus mới lây lan nhanh, mạnh, đương nhiên dịch bệnh không loại trừ một ai. “Bọn mình không buồn, không lo lắng, bởi sẵn sàng tâm thế này từ rất lâu khi nhận nhiệm vụ. Dịch bệnh còn kéo dài, phải phát hiện các nguy cơ một cách kịp thời, nhanh chóng, bọn mình vẫn luôn xem đó là nhiệm vụ ưu tiên và không được phép lơ là, dù chỉ một khoảnh khắc”, bác sĩ Huy khẳng định.

Hành động, cảm xúc của tình yêu thương

Từ một cơ sở y tế hạng 3, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trở thành 1 trong 3 đơn vị được chọn làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. “Mọi thứ đến đều nằm ngoài dự đoán của mình. Cảm xúc phải nói là vui mừng, hạnh phúc, lo lắng, căng thẳng đều có cả. Lo lắng liệu mình và anh em có đáp ứng nổi hay không? Căng thẳng liệu có thể xử lý hết những phát sinh, có hoàn thành nhiệm vụ được hay không? Nhưng rồi cũng mừng lắm, vì đây là cơ hội hết sức hiếm có để anh em cộng sự nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế - một lĩnh vực chưa được đánh giá đúng với bản chất thời gian qua”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm, bộc bạch.

Bác sĩ Lê Văn Quốc Huy, Khoa Kiểm soát bệnh tật,  Trung tâm Y tế quận Sơn Trà trong trang phục bảo hộ điều tra dịch tễ của các F0. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Lê Văn Quốc Huy, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà trong trang phục bảo hộ điều tra dịch tễ của các F0. Ảnh: PHAN CHUNG

Bệnh viện dã chiến Hòa Vang - cái tên gắn liền với hàng ngàn con người trong và ngoài thành phố không may mắc Covid-19. Cũng tại nơi đây, những bà mẹ mang thai được bảo vệ an toàn trong suốt quá trình điều trị. Những em bé sinh ra khỏe mạnh, không lây nhiễm Covid-19 được chào đón bằng cả nụ cười hạnh phúc và những giọt nước mắt vỡ òa.

Người ta nhớ đến hình ảnh cứ chiều chiều, tầm 15 giờ mỗi ngày, những dòng người nối đuôi nhau tập trung ở sảnh bệnh viện chờ xe đón về nhà. Họ là những bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19, nay trở về với mái ấm thân thuộc và sự bình yên vốn có. Cách tổ chức “lễ xuất viện” nơi đây cũng rất lạ: kèm với tờ giấy chứng nhận khỏi bệnh là những món quà nhỏ xinh, đôi khi chỉ là tập vở cho em nhỏ, một vài hộp sữa cho các cụ già nhưng nó chứa đựng trong đó sự ân cần, chia sẻ, sự quan tâm lẫn nhau giữa lúc nguy khó.

Bác sĩ Vĩnh tâm tình: “Dù thế nào, họ - những bệnh nhân Covid-19, cũng là người chịu thiệt thòi. Không chỉ thiệt thòi về sức khỏe mà còn ảnh hưởng tinh thần. Điều trị, chăm sóc thôi chưa đủ, trong khả năng của mình chúng tôi muốn bù đắp phần nào những tổn thất mà dịch bệnh mang đến. Những món quà đều do các nhân viên y tế trong đơn vị đi kêu gọi, vận động khắp nơi và bỏ thêm tiền túi để chia sẻ với mọi người. Thật vui và hạnh phúc khi nhìn các nhân viên đơn vị mình có sự kết nối, đặc biệt là kết nối tình thương”, bác sĩ Vĩnh tâm tình.

ĐẠI BÌNH

;
;
.
.
.
.
.